Tại hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, qua công tác nắm bắt thị trường cho thấy, các địa phương không có tình trạng đầu cơ găm hàng, chưa phát hiện các đường dây có tổ chức buôn lậu lớn hoặc xuyên quốc gia, các vi phạm chủ yếu mang tính chất hoạt động nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, nếu không có biện pháp kiểm soát tốt sẽ tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
![Ảnh minh hoạ Ảnh minh hoạ](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2021/03/22/1-42-1616418939.jpg)
Trong năm 2020, có một số vấn đề nổi lên là hoạt động buôn lậu, nhập khẩu xe ô tô từ Lào về Việt Nam; nhiều mặt hàng giả trước đây tập trung vào các nhóm, ngành hàng phụ gia, thực phẩm nay chuyển sang các mặt hàng có giá trị, nhu cầu sử dụng cao như mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, hàng điện tử…
Trên cơ sở đó, bám sát kế hoạch của BCĐ 389 tỉnh, Công an tỉnh đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố định kỳ kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh, vận chuyển hàng hóa dịch vụ, tập trung vào các tuyến đường từ Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng về Vĩnh Phúc và từ Vĩnh Phúc đi các tỉnh, thành lân cận; các địa phương có nhiều cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối, điểm trung chuyển hàng hóa như thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, huyện Vĩnh Tường…
Kịp thời tiếp nhận xử lý tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; khởi tố điều tra tội phạm và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ tư pháp theo quy định; chủ động phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Trong năm 2020, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 416 vụ/429 đối tượng (tăng 159 vụ/151 đối tượng so với cùng kỳ). Riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2021, cơ quan chức năng tiến hành xử lý 140 vụ, khởi tố 19 đối tượng.
Phần lớn tập trung vào các hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; sản xuất và buôn bán hàng giả; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; gian lận thương mại... Số tiền xử phạt hành chính của các vụ lên tới hơn 700 triệu đồng (381 vụ), giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 3 tỷ đồng…
Thông tin thêm về gần 100 vụ liên quan đến hàng cấm (pháo và thuốc lá) bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý; thu giữ 3 tấn pháo từ năm 2020 đến nay, đại diện cơ quan công an cho biết, không phải dịp cận Tết các đối tượng mới “đánh” hàng về bán, mà ngay từ thời điểm này hoặc giữa năm, chúng đã thu gom, đưa hàng cấm về nước.
Lợi dụng việc vận chuyển lương thực, hàng hóa từ Vĩnh Phúc đi các tỉnh giáp vùng biên, các đối tượng đã mua hàng cấm đưa về theo xe và tàng trữ để bán trong dịp Tết Nguyên đán.
Hiện nay, mỗi giá pháo các đối tượng mua vào chỉ khoảng hơn 100.000 đồng, nhưng bán ra có thể lên tới trên dưới 1.000.0000 đồng. Lợi nhuận cao khiến các đối tượng liều lĩnh vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng cấm và bất chấp các quy định, hình thức xử lý nếu không may bị phát hiện.
Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu phát hiện, xử lý số vụ việc năm sau đạt cao hơn năm trước, thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong thực hiện các kế hoạch năm 2021; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chính sách, pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho quần chúng nhân dân trong đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm.
Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp để điều tra, trinh sát, phát hiện và kịp thời bắt giữ, xử lý nghiêm các vi phạm; lập các chuyên án đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất, buôn bán vận chuyển hàng cấm, nhập lậu, hàng giả có quy mô, giá trị lớn.
Đồng thời, phát hiện và thông báo kịp thời những hành vi, thủ đoạn, đối tượng tội phạm mới, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế, tập trung vào các tội phạm ma túy, buôn bán hàng cấm, tiền giả, kinh doanh, sử dụng pháo và kịp thời hỗ trợ các lực lượng chức năng khi cần thiết…
Hà Trần