Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc ban hành công văn số 410/SKHĐT-DNKTHT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước, nhất là tại tỉnh Hải Dương và các tỉnh, thành phố giáp Vĩnh Phúc; nguy cơ dịch xâm nhập và bùng phát trên địa bàn tỉnh rất lớn. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các DN tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19 đối với người lao động khi trở lại làm việc.

Tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp
Tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với các chuyên gia, lao động kỹ thuật là người nước ngoài trường hợp trong suốt thời gian nghỉ Tết tại địa phương mà không ra khỏi địa phương, nơi cư trú (là tỉnh Vĩnh Phúc) thì được phép trở lại làm việc bình thường, khai báo y tế và khuyến khích xét nghiệm SAR-Cov-2.

Trường hợp làm việc tại Vĩnh Phúc nhưng cư trú tại địa bàn tỉnh khác đề nghị tiến hành khai báo y tế, khai báo cư trú hằng ngày và bắt buộc xét nghiệm SAR-Cov-2 khi quay trở lại làm việc.

Trường hợp làm việc tại Vĩnh Phúc nhưng cư trú tại địa bàn có dịch yêu cầu làm việc trực tuyến; chỉ sau khi có xét nghiệm âm tính 2 lần mới được trở lại làm việc.

Đối với các lao động là người Việt Nam, trường hợp không ra khỏi địa phương yêu cầu khai báo y tế và trở lại làm việc bình thường.

Các DN tiếp tục lập danh sách để xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên (ít nhất 1% trong tổng số người lao động); trường hợp trở về từ các tỉnh, thành phố khác không có dịch yêu cầu khai báo y tế và cho xét nghiệm SAR-Cov-2; trường hợp trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch yêu cầu ở lại tại địa phương và tạm thời chưa trở về Vĩnh Phúc cho đến khi dịch bệnh tại địa phương đó được kiểm soát.

Theo báo cáo nhanh của các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố không thuộc "tâm điểm" dịch, tại các DN đã có hơn 90% số công nhân lao động trở lại làm việc. Để phòng, chống dịch Covid-19, Ban quản lý các KCN, công đoàn cần giám sát, kiểm tra DN phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ nhà xưởng, văn phòng trước khi người lao động trở lại.

Đồng thời phối hợp chủ sử dụng lao động thực hiện nghiêm việc khai báo y tế đối với tất cả lao động; rà soát, sàng lọc công nhân lao động trở về từ vùng dịch, nhằm rà soát, phân loại, cách ly y tế theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Doanh nghiệp, trang bị đủ nước rửa tay sát khuẩn tại văn phòng và nhà xưởng; đo thân nhiệt, yêu cầu 100% người lao động đeo khẩu trang khi làm việc, không tụ tập đông người; hướng dẫn, động viên đoàn viên, người lao động cài đặt Bluezone...

Bên cạnh đó, công tác tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các DN trong KCN sử dụng tối đa phương tiện vận tải hiện có đưa đón công nhân đi làm, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc của các dây chuyền sản xuất theo hướng giãn cách giờ vào làm việc buổi sáng và giờ tan ca cuối chiều nhằm giảm mật độ người tụ tập quá đông cùng một thời điểm.

Tại các tỉnh tập trung đông KCN, nguy cơ lây nhiễm cao, công đoàn cần tích cực phối hợp thành lập tổ hướng dẫn khai báo y tế bắt buộc bằng giấy cho toàn bộ công nhân từ các địa phương, nhất là tại các địa phương có người nhiễm Covid-19 sau kỳ nghỉ Tết ở tại nơi tạm trú, nhà trọ của công nhân trên địa bàn. Những người ở tỉnh khác nhưng ở lại khu nhà trọ xuyên Tết, cần được hướng dẫn để khai báo y tế điện tử. Phối hợp thường xuyên với ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các phường có địa bàn gần KCN kiểm tra, giám sát, liên hệ các chủ nhà trọ, nhắc nhở người thuê trọ thực hiện thông điệp 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Công đoàn các cấp cơ sở đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm "chống dịch như chống giặc", thực hiện nghiêm chiến lược lấy phòng dịch làm ưu tiên, khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để ở bên trong, chữa trị hiệu quả; bám sát tình hình công nhân lao động, chủ động phối hợp chính quyền địa phương, ngành để có thể dập dịch trong thời gian sớm nhất...

Hiện tại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao. Việc công đoàn tích cực tuyên truyền và đồng hành cùng DN, người lao động phòng, chống dịch là hết sức thiết thực và ý nghĩa. Những hoạt động đó cần tiếp tục được tăng cường, nhân rộng, tạo thành bức tường vững chắc ngăn chặn sự xâm nhập, lây nhiễm của dịch bệnh vào các DN, góp phần bảo đảm sức khỏe, đời sống, việc làm cho người lao động, ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh của DN sau Tết.

Hoan Nguyễn