Quang cảnh đại hội.
Quang cảnh đại hội.

Dự phiên khai mạc, về phía Trung ương có đồng chí Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Bùi Huy Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phùng Thị Kim Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; đại diện Ban Dân tộc một số tỉnh, thành phố và 200 đại biểu đại diện cho hơn 59.000 đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, Vĩnh Phúc có 40 DTTS cùng sinh sống với khoảng 59 nghìn người, chiếm khoảng 4,8% dân số toàn tỉnh. Tỉnh có 11 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (DTTS&MN).

Giai đoạn 2019 - 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Công tác an sinh xã hội được tăng cường, bản sắc văn hóa các DTTS được giữ gìn và phát huy, đoàn kết trong vùng đồng bào DTTS&MN được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao, trình độ phát triển giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác trong tỉnh không còn nhiều cách biệt.

Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS&MN của tỉnh đạt khoảng 61 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,98%. 11/11 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông. 100% trường, lớp học các cấp học được xây dựng kiên cố. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước hợp vệ sinh, xem truyền hình và nghe đài phát thanh. 100% học sinh mẫu giáo, tiểu học, THCS được đến trường; 80% học sinh THPT đến trường. 94,5% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà văn hóa)...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Huy Vĩnh tặng hoa chúc mừng đại hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Huy Vĩnh tặng hoa chúc mừng đại hội.

Các đại biểu đã trình bày tham luận về nhiều nội dung như bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu trong giai đoạn hội nhập và phát triển; phát triển mô hình kinh tế trang trại, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS ở địa phương.

Phát biểu tại đại hội, đồng chí Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ghi nhận, biểu dương những kết quả, đóng góp của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong những năm qua.

Đồng chí đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tiếp tục nỗ lực, chủ động, quyết tâm phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn hơn.

Đồng thời tiếp tục đánh giá, nhận diện rõ hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc gắn với các mục tiêu, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 để tập trung triển khai có hiệu quả.

Phát biểu tại đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Huy Vĩnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ: Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng DTTS&MN; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự ở cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga tặng bằng khen cho các cá nhân
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga tặng bằng khen cho các cá nhân

Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cần phát huy hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thành sức mạnh để chung sức, đồng lòng cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp; nâng niu, tự hào, giữ gìn văn hóa của dân tộc mình bằng cách truyền dạy cho con cháu tiếng nói, chữ viết, các bài hát, điệu múa của tổ tiên để lại; kiên quyết bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng, góp phần phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Dịp này, 1 tập thể và 6 cá nhân được nhận Bằng khen của Ủy ban Dân tộc; 4 cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” của Ủy ban Dân tộc. Đồng thời, 5 tập thể và 9 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

 

Hà Trần (t/h)