THCL Sáng nay, 01/9/2015,  Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Phúc đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt nhân Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Tới dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII của tỉnh; Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng lao động; các đồng chí lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa cùng các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh...

Thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan trình bày diễn văn ôn lại truyền thống vẻ vang của cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Phúc, thể hiện quyết tâm cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới, biểu thị sự quyết tâm cao độ của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nhất là sau khi tái lập tỉnh từ năm 1997 đến nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và giành được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh; “sau 18 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, thu ngân sách chưa đạt 100 tỷ đồng, thu nhập đầu người chỉ đạt gần 140 USD/năm, bằng 48% bình quân chung cả nước; khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt; đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những tỉnh phát triển khá toàn diện. Kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 1997-2014 là 14,8%, giai đoạn 2011-2015 ước đạt 6,2%/năm. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đến năm 2015 chiếm 90,6%, ngành nông, lâm, thủy sản còn 9,4%. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người liên tục tăng, năm 1997 mới chỉ đạt 2,13 triệu đồng/người/năm (bằng 48% bình quân chung của cả nước), đến năm 2007 đã cao hơn mức bình quân chung của cả nước; năm 2015 ước đạt 70 triệu đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2010. Thu ngân sách hàng năm tăng nhanh, năm 1997 tổng thu mới chỉ đạt 114 tỷ đồng, đến năm 2015 ước đạt 22,1 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã tự cân đối được ngân sách và có đóng góp cho ngân sách Trung ương”.

Dự báo trong thời gian tới, cùng với cả nước, Vĩnh Phúc có nhiều thời cơ, thuận lợi để phát triển song cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững. Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên. Toàn Đảng bộ hãy biểu thị quyết tâm cao nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị, tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI.

Long Trần (Thương hiệu & Công luận)