Vĩnh Phúc: Tôn vinh các bậc Hiền triết và danh nhân khoa bảng - Hình 1

Lễ dâng hương tại Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc

Tới dự lễ tôn vinh có ông Dương Quang Ứng - PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc; đại diện dòng họ Nguyễn Duy, họ Ngô và 20 dòng họ khoa bảng tỉnh Vĩnh Phúc.

Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc tiền thân là văn miếu Phủ Tam Đới, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV tại xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc (nay là xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường). Sau khi thành lập (1890) đến năm 1925, Văn miếu phủ Vĩnh Tường được di dời về địa phận gò Giác Lạc ở phía Bắc xã Định Trung thuộc phạm vi tỉnh Vĩnh Phúc và có tên gọi là Văn miếu tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc).

Trên cơ sở kế thừa và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Văn Miếu xưa, ngày 16/6/2012, công trình Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc được khởi công xây dựng tại khu gò Cháo, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên. Đây là công trình văn hóa trọng điểm, biểu trưng cho truyền thống văn hiến, truyền thống hiếu học của tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại buổi lễ ông Dương Quang Ứng, Phó giám đốc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay được xây dựng kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Văn miếu phủ Tam Đới xưa có niên đại từ thế kỷ 15. Đây là nơi thờ các bậc Tiên triết, Tiên thánh, Tiên hiền và danh nhân khoa bảng của tỉnh dưới các thời đại phong kiến, đồng thời cũng là nơi tôn vinh truyền thống học hành, khoa cử của tỉnh Vĩnh Phúc,…

Từ khi khánh thành mở của phục vụ khách thăm quan đến nay, Văn miếu đã diễn ra khá nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tổ chức trưng bày triển lãm về giáo dục thi cử, về truyền thống tôn sư trọng đạo và tặng chữ đầu xuân, tổ chức hoạt động tuyên dương…Và đặc biệt, hàng năm, ban Quản lý di tích đều tổ chức tốt “Lễ tôn vinh các bậc Tiên triết, Tiên thánh, Tiên hiền và danh nhân khoa bảng” nhân dịp Xuân- Thu nhị kỳ tại Văn miếu.

Đây là truyền thống tốt đẹp của cha ông, thể hiện đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” của người dân Việt Nam. Đồng thời góp phần hun đúc, lan tỏa những giá trị văn hóa, giáo dục xưa, từ đó, phát huy tinh thần hiếu học, đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài của các dòng học, hướng đến sự phát triển chung của ngành Giáo dục tỉnh nhà.

Lê Sơn