Nhận định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, từ nay đến cuối năm 2021, thu hút vốn đầu tư vào tỉnh sẽ nhiều khởi sắc và vượt mục tiêu đề ra.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp đã giúp Vĩnh Phúc sớm đạt và vượt chỉ tiêu năm 2021 về thu hút DDI đề ra.
Vĩnh Phúc xác định doanh nghiệp là động lực cho phát triển, là đối tượng phục vụ, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai; đầu tư hạ tầng điện, nước, thôngtin liên lạc đến chân hàng rào các khu công nghiệp; tăng cường đào tạo nghề phục vụ nhu cầu tuyển dụng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp nhằm nắm bắt, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Ðáp ứng những vấn đề doanh nghiệp quan tâm, tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai 11 giải pháp thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư (XTÐT) năm 2021, trong đó ưu tiên số một là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư vào KCN. Lãnh đạo tỉnh đang hiện thực hóa những cam kết với các nhà đầu tư, DN trong việc cung cấp điện, các dịch vụ thiết yếu đến chân hàng rào các khu, cụm công nghiệp, dự án, tạo điều kiện tối đa cho những DN có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới công tác xúc tiến đầu tư trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho rằng, trước hết là đổi mới về quan điểm, coi việc chăm sóc DN tại chỗ, cải thiện thủ tục hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh là phương pháp XTÐT tốt nhất. Bên cạnh đó, tỉnh chuẩn bị chu đáo các quy hoạch, cơ sở hạ tầng, đất đai và thông tin để cung cấp cho nhà đầu tư. Tỉnh sẽ đổi mới tổ chức bộ máy XTÐT theo hướng tập trung một đầu mối, thu hút cán bộ có năng lực và tính chuyên nghiệp làm công tác XTÐT.
Ðối tượng cần thu hút đầu tư thời gian tới sẽ là những nhà đầu tư lớn, sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị thương hiệu cao, thân thiện với môi trường. Trong điều kiện dịch bệnh, tỉnh đổi mới cách thức vận hành bộ máy XTÐT qua việc đa dạng hóa các kênh XTÐT, như qua internet, qua kênh ngoại giao, giảm trao đổi trực tiếp, tăng trao đổi trực tuyến. Do đó, mặc dù không thể tổ chức các đoàn, các hội nghị XTÐT, nhưng dòng vốn đầu tư chảy vào tỉnh vẫn tăng mạnh so với những năm trước.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã thu hút, cấp mới 7 dự án DDI; điều chỉnh 2 dự án, tăng tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, vượt 2.000 tỷ đồng so với mục tiêu của cả năm 2021 (5.500 tỷ đồng).
Lũy kế hết tháng 5/2021, toàn tỉnh có 809 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 100 nghìn tỷ đồng.
Ðầu năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 6 khu công nghiệp, nâng tổng số lên 15 khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư; trong đó có dự án khu công nghiệp Sông Lô II với quy mô hơn 165 ha, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa gần 150 ha và Tam Dương I - khu vực 2 quy mô 162 ha…
Rất nhiều DN đang xem Vĩnh Phúc là “mảnh đất lành” để đầu tư hiệu quả. Chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp có điều kiện lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, hạn chế các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành kỳ vọng về xây dựng hệ sinh thái đầu tư toàn diện, bên cạnh các khu công nghiệp sẽ là các khu đô thị, các dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp phục vụ các nhà đầu tư và người có thu nhập cao làm việc trong các khu công nghiệp.
Những ngày này, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đang căng mình chiến đấu với dịch Covid-19, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh khẩn trương triển khai nhiều biện pháp duy trì sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Với cách tiếp cận sáng tạo, tỉnh Vĩnh Phúc đang tiến những bước chắc chắn trong việc xây dựng môi trường đầu tư tối ưu, hiện đại, tạo ra lợi thế đầu tư mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Hoan Nguyễn