Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Dồn thửa, đổi ruộng thành “cánh đồng mẫu lớn” - Hình 1

Cán bộ và nhân dân tích cực tham gia làm đường giao thông nội đồng để thực hiệc giấc mơ cơ giới hóa nông nghiệp

Nằm ở phía Bắc tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Tường có lịch sử hình thành hơn 300 năm nay. Là nơi “đất chật, người đông” với 29 xã, thị trấn hội tụ gần 20 vạn người (mật độ dân số gấp gần 1,5 lần trung bình của tỉnh), bình quân đất sản xuất nông nghiệp dưới 500 m2/người.

Từ sự đồng thuận và chia sẻ

Về Vĩnh Tường những ngày cuối năm này, bên cạnh những câu chuyện của người dân nơi đây về trồng cây gì, nuôi con gì cho năng suất, giá trị cao là câu chuyện “dồn thửa, đổi ruộng” (DTĐR) được triển khai thí điểm thành công tại 2 xã Ngũ Kiên (quê hương của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân) và xã ven sông Hồng Cao Đại luôn sổi nổi trong mỗi hộ dân. Những chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sự năng động trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận cái mới, cái tiến bộ của KHKT đã đưa một huyện thuần nông phát triển theo nhiều hướng kinh tế, trong đó chú trọng về dịch vụ, thương mại.

Vĩnh Tường là nơi được Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chọn làm điểm DTĐR xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hướng tới cơ khí hóa sản xuất thì cũng chẳng có gì lạ lẫm với người dân và cả với lãnh đạo tỉnh. Bởi, Vĩnh Tường đã dẫn đầu nhiều phong trào thi đua của tỉnh Vĩnh Phúc trong quá khứ rất thành công như xóa bỏ đàn bò gié bằng bò lai sin và đàn bò sữa, 100% diện tích gieo cấy bằng giống lúa xuân muộn… thì việc thí điểm DTĐR chẳng là câu chuyện mới mẻ và xa lạ nữa. Tuy nhiên, để bắt đầu một việc làm tưởng chừng như đã làm rất quen thuộc ấy nhưng vẫn không phải dễ dàng, nhất là việc đụng đến đất đai, mồ mả luôn gắn liền với lợi ích và quyền riêng tư đã có từ lâu của mỗi người đang là vấn đề nhạy cảm nếu không cẩn trọng thì công việc sẽ dễ dẫn đến đổ vỡ.

Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Dồn thửa, đổi ruộng thành “cánh đồng mẫu lớn” - Hình 2

Người dân phấn khởi canh tác trên những thửa ruộng mẫu lớn

“Mỗi khi bắt đầu một việc gì cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản, huống chi đây lại đụng đến vấn đề nhạy cảm nhất hiện nay” - Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Tường Lê Minh Thịnh bắt đầu câu chuyện như vậy. Việc DTĐR ai cũng thấy cần thiết nhưng bắt đầu từ đâu, cách làm thế nào, giải pháp ra làm sao là một việc mà Ban thường vụ, BCH Huyện ủy Vĩnh Tường họp bàn đi bàn lại mới ban hành được 25 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc thực hiện và 12 văn bản xin ý kiến của cơ quan cấp trên. Đặc biệt là Nghị quyết số 07/NQ-HU ngày 15/12/2016 của Huyện ủy hội tụ được đầy đủ ý chí và lợi ích của DTĐR với mục tiêu đề ra đến 2020 sẽ hoàn thành DTĐR. Thế là từ đồng chí Bí thư Huyện ủy đến Bí thư chi bộ, trưởng thôn cùng vào cuộc một cách quyết liệt để tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết đến từng cán bộ, đảng viên với người dân để tạo sự đồng thuận chia sẻ trách nhiệm. Các cuộc họp xin ý kiến dân diễn ra với cường độ dày đặc, có nơi họp cả buổi tối từ 2-3 cuộc họp/tuần (xã Ngũ Kiên bình quân 15 buổi/thôn, xã Cao Đại 11 buổi/thôn); xã Ngũ Kiên tổ chức 294 cuộc họp, xã Cao Đại tổ chức 268 buổi (chưa kể hàng ngày tuyên truyền trên loa truyền thanh từ 2-3 lượt) để đả thông tư tưởng người dân và cùng nhau bắt tay làm.

Sau các cuộc bàn đi bàn lại, được sự hỗ trợ giúp đỡ của BCĐ DTĐR của tỉnh, UBND tỉnh cùng các sở ngành của tỉnh thấy việc triển khai DTĐR đã phù hợp, chín muồi, BCĐ DTĐR của huyện chọn 2 xã làm điểm là Ngũ Kiên và Cao Đại – nơi có bộ máy lãnh đạo đoàn kết, có kinh nghiệm về DTĐR tiến hành. Việc DTĐR lần này là sự tiếp nối của đề án “dồn ghép ruộng đất” của huyện giai đoạn 1996-2006 nên nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thấy được lợi ích của DTĐR, nhiều người dân đã tự giác thực hiện hiến đất để làm đường khi hoàn thành có cánh đồng mẫu lớn.  

Đến thành công bước đầu

Quyết tâm và định hướng thông suốt từ cấp lãnh đạo huyện đến từng chi bộ thôn, xóm đã thúc đẩy chương trình đi vào cuộc sống với cách làm phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương. Với sự ủng hộ tích cực của tỉnh từ phương châm chỉ đạo đến kinh phí hỗ trợ cho xã Cao Đại hơn 11 tỷ đồng, Ngũ kiên hơn 10,3 tỷ đồng. Tháng 10/2017, 2 xã đã lựa chọn mỗi xã 5 tổ thợ đào đắp đường, kênh mương, san gạt làm giao thông nội đồng.

Sau một năm nỗ lực phấn đấu, tổng diện tích đất nông nghiệp của 2 xã thực hiện DTĐR là 386,7 ha, đạt 100% diện tích đất nông nghiệp. Sau DTĐR, 2 xã còn 4.141 thửa, giảm 11.893 thửa so với trước khi DTĐR. Bình quân còn 1,7 thửa/hộ, giảm 4,7 thửa so với trước. Cụ thể xã Cao Đại đã giao ruộng thực địa cho 1.034 hộ/1.817 thửa/157,1 ha; từ 7.140 thửa xuống còn 1.817 thửa (thửa nhỏ nhất 72 m2, thửa lớn nhất 4.400 m2).

Số hộ sau DTĐR còn 1 thửa là 251 hộ, chiếm 24% số hộ, còn 2 thửa là 783 hộ, chiếm 76% số hộ. Xã Ngũ Kiên giao ruộng thực địa cho 1.405 hộ/2.324 thửa/229,6 ha; từ 8.894 thửa xuống còn 2.324 thửa (thửa nhỏ nhất là 300 m2, thửa lớn nhất là 4.000 m2), giảm 6.570 thửa, giảm 74% số thửa so với trước khi thực hiện DTĐR, bình quân còn 1,65 thửa/hộ. Số hộ sau DTĐR còn 1 thửa là 486 hộ, còn 2 thửa là 919 hộ.

Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Dồn thửa, đổi ruộng thành “cánh đồng mẫu lớn” - Hình 3

Đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao ở xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường)

Ông Trương Quang Phú, thôn Dầu, xã Ngũ Kiên – một hộ tiên phong trong đầu tư theo hướng hiện đại phấn khởi cho biết: Do có ruộng lớn, bờ vùng xe cơ giới vào ruộng lên gia đình ông đã đầu tư đồng bộ 4 máy làm đất 40 HP, 4 máy cấy, 1 giàn gieo mạ khay (2.300 khay); 2 máy gặt đập liên hoàn… với tống giá trị đầu tư gần 4 tỷ đồng để làm dịch vụ nông nghiệp. Năm 2018, gia đình ông đã dịch vụ được gần 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã, tạo đủ việc làm cho gần 20 lao động với mức thu nhập đạt từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Điều quan trọng là đưa cơ giới vào đảm bảo kịp thời vụ cho năng suất cao. Giám đốc HTX NN Ngũ Kiên Lê Duy Chương khẳng định: Sau khi DTĐR, diện tích tăng do số bờ được san vào ruộng sẽ cho sản lươgnj tăng từ 3-5% , giá trị sản xuất lúa từ 15 - 20 triệu đồng/ha so với trước đây…

Thấy được lợi ích của DTĐR ở 2 xã Cao Đại và Ngũ Kiên, vụ mùa Đông năm 2017 đã có 3 thôn thuộc 3 xã đăng ký DTĐR theo Nghị quyết 07 của Huyện ủy đó là thôn Táo, xã Tuân Chính; thôn Đan Phượng, xã Phú Thịnh; thôn Yên Nhiên, xã Vũ Di đã hoàn thành và đang được BCĐ DTĐR của xã chỉ đạo nhân rộng ra toàn xã, dự kiến hoàn thành trong năm 2019, đến năm 2020, toàn huyện sẽ hoàn thành.  

Về Vĩnh Tường những ngày này, gặp gỡ các đồng chí cán bộ ở cơ sở và nhân dân, bao giờ cũng vậy đều trở về với những câu chuyện DTĐR. Trong những câu chuyện có cả sự hồ hởi và háo hức xen lẫn những băn khoăn, trăn trở trước các tiêu chí đặt ra, nhưng tựu trung lại đều thống nhất một định hướng quyết tâm "về đích". Chương trình DTĐR hôm nay chính là sự tiếp nối, phát huy ở một tầng cao hơn, toàn diện hơn của chương trình “dồn điền đổi thửa” cách đây hơn 10 năm về trước đã và đang tạo nên một Vĩnh Tường hôm nay ở vị thế tiên phong khi được tỉnh Vĩnh Phúc chọn là huyện điểm trong triển khai xây DTĐR- một chương trình nằm trong chiến lược quốc gia. Mục tiêu cụ thể, không xa vời, trừu tượng và xác định được về một kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại gắn nông nghiệp với sự phát triển của công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch và một xã hội ổn định, dân trí được nâng cao, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, có môi trường sinh thái được bảo vệ và hệ thống chính trị vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bức tranh sản xuất nông nghiệp tươi sáng

Từ cơ cấu nông nghiệp của một vùng đất thuần nông, sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Tường đã có nhiều khởi sắc khi thực hiện mạnh mẽ DTĐR kết hợp chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng cơ cấu dịch vụ và các ngành kinh tế. Quyết tâm và định hướng thông suốt từ lãnh đạo huyện đến từng chi bộ thôn đã thúc đẩy chương trình đi vào cuộc sống bằng những con số cụ thể sinh động và biết nói. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường Trần Việt Cường cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân của người dân đã tăng lên khá so với trước. Huyện Vĩnh Tường đã và đang chủ động trong việc DTĐR, tích tụ ruộng đất để chuyển dần sang mô hình canh tác tập trung, sản phẩm hàng hóa. Rồi đến chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng để nâng tỷ lệ cây thương phẩm thế chân trên đất lúa kém hiệu quả, áp dụng công nghệ khoa học... giá trị bình quân đạt hơn 150 triệu đồng/ha canh tác đã cho thấy hiệu quả của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp.

Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Dồn thửa, đổi ruộng thành “cánh đồng mẫu lớn” - Hình 4

Cơ giới hóa sản xuất để giải phóng sức lao động của nông dân

Bức tranh sản xuất nông nghiệp thâm canh gắn với khoa học kỹ thuật ở Vĩnh Tường đầy tươi mới đang dần được định hình trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa. Tính đến thời điểm hiện tại, Vĩnh Tường đã có 5 xã triển khai DTĐR và đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành mục tiêu, giảm 3/4 số thửa so với hiện tại, nâng số thửa có quy mô từ 1000 m2 trở lên chiếm 30-40% tổng số thửa, giảm từ 70% tổng số thửa và khoảng 30% số hộ so với hiện nay, trở thành huyện hoàn thành DTĐR đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc.

Có thể thấy, nền tảng đó là cả một quá trình lâu dài, từ những trăn trở tìm hướng đi, làm giàu trên đồng đất quê hương, từ những năm tháng lăn lộn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để có được một xuất phát điểm cơ sở hạ tầng thuận lợi. Và sâu xa hơn, đó là những cấu trúc cộng đồng kinh tế mới, tiếp nối từ truyền thống qua thời gian, thử thách, giờ đã trở thành những giá trị kinh tế, văn hóa sống, ứng xử, liên kết cộng đồng trên con đường đi đến một tương lai tươi sáng của Vĩnh Tường.

Xuân Hùng