Trong phiên giao dịch hôm nay, ngày 23/02, lực cầu tại vùng hỗ trợ gần 1.495 – 1.500 điểm có thể giúp VN-Index hồi phục trong phiên sáng, để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.505 – 1.510 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.515 – 1.520 điểm.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng trong phiên giao dịch kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.512 điểm. Điểm tích cực là dòng tiền có dấu hiệu gia tăng và có xu hướng gia tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. YSVN kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức 1.512 điểm và quay trở lại mức đỉnh cũ 1.535 điểm trong những phiên giao dịch tới. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, YSVN khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu 50-55% danh mục.
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần chứng khoán Agribank (Agriseco), VN-Index đã tạo một cây nến rút chân dài với thanh khoản gia tăng quang vùng 1.480 điểm cho thấy tín hiệu tốt của lực cầu tại vùng hỗ trợ này. Dự báo phiên sáng nay 23/02 chỉ số có thể điều chỉnh đầu phiên do quán tính từ lực bán trong phiên 22/02. Sau đó, VN-Index có quay lại đà tăng nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu trụ.
Chuyên gia của Agriseco cho biết: “Chỉ số có thể tiếp tục tiến về vùng 1.520 điểm. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh để tái cơ cấu danh mục, tập trung các nhịp tăng để hạ tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ - triển vọng lợi nhuận kém và thay vào đó là mua tích lũy thêm các mã đầu ngành của các ngành đang vào sóng như cảng biển, bán lẻ, dầu khí”.
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), đồ thị ngày 22/02 VN-Index xuất hiện cây nến xanh thứ tư, dạng ‘Hammer’ với bóng dưới dài, và giá đóng cửa nằm trên các đường trung bình động ngắn hạn (MA10 ngày và MA20 ngày), kèm thanh khoản cải thiện, là các tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy dòng tiền tham gia bắt đáy khá mạnh, và bên mua đang dần chiếm lại ưu thế về cuối phiên. “Trong phiên giao dịch hôm nay 23/02, lực cầu tại vùng hỗ trợ gần 1.495 – 1.500 điểm có thể giúp chỉ số VN-Index hồi phục trở lại trong phiên sáng, để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.505 – 1.510 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.515 – 1.520 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Còn công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS): Trên góc độ kỹ thuật, thị trường có một phiên kiểm định hỗ trợ cả ngắn hạn và trung hạn quanh 1.485 điểm (MA20-50) khá tốt để bật lên từ đây. Từ mức giảm 26 điểm, thị trường kết phiên chỉ còn giảm hơn 7 điểm.
Thêm nữa là việc thanh khoản trong phiên 22/02 có sự gia tăng so với phiên trước đó và là phiên thứ hai liên tiếp cao hơn mức trung bình. Điều này cho thấy lực cầu bắt đáy ở quanh hỗ trợ là khá tốt. Nếu không có những diễn biến bất ngờ trong đêm thì SHS kỳ vọng trong phiên giao dịch tiếp theo 23/02, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại để thu hẹp dần khoảng cách với mục tiêu tiếp theo của chỉ số là vùng kháng cự trong khoảng 1.530- 1.550 điểm.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/02, chỉ số VN-Index giảm 7,37 điểm (-0,49%) xuống 1.503,47 điểm. Độ rộng thị trường là tiêu cực với 319 mã giảm (5 mã giảm sàn), 30 mã tham chiếu, 147 mã tăng (14 mã tăng trần).
Cổ phiếu ngân hàng có sự quay trở lại vào cuối phiên để làm "người hùng" cứu thị trường khỏi một phiên giảm mạnh với hàng loạt cổ phiếu tăng khá tốt như: MBB (+5,4%), NVB (+3,3%), BID (+1,7%), STB (+1,5%), BVB (+1,5%),...
Các cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ cũng bật tăng khá tốt, có lẽ kỳ vọng vào sự hồi phục của doanh số bán lẻ cả nước khi mở cửa trở lại nền kinh tế, có thể kể đến như: MWG (+2,8%), PNJ (+3,3%), FRT (+6,9%), HAX (+4,3%), PET (+7%)... Nhóm dầu khí hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu thế giới và đã tăng khá tốt trong phiên hôm nay như: PVS (+3,8%), PLX (+3,5%), BSR (+1,5%), PVD (+2,7%), PSH (+7%), OIL (+3,3%), PVC (+6,6%)... Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản và xây dựng bị bán mạnh khiến nhiều mã giảm mạnh, thậm chí giảm sàn, có thể nhắc đến như: DIG (-6,9%), CEO (-9,9%), LDG (-6,8%), DRH (-7%), VRC (-6,9%), VCG (-3%), HBC (-2,4%), ROS (-2,3%)...
Minh An (t/h)