2/5 đơn vị trích khấu hao tài sản cố định sai quy định

Thương hiệu & Công luận đã thông tin, Thanh tra Bộ Tài chính vừa có Kết luận thanh tra tại công ty mẹ và 4 đơn vị trực thuộc VNPT, gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn, Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-VinaPhone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT - Media), Công ty CP Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông và Công ty CP Viễn thông - Tin học Bưu điện (CT - IN).

Nội dung thanh tra liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp; hạch toán, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và chấp hành quy định pháp luật về tài chính, kế toán đối với doanh nghiệp. Thời kỳ thanh tra là năm 2016.

Qua quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ tài chính đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại VNPT và các đơn vị trực thuộc.

Cụ thể, về quản lý TSCĐ, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện có 2/5 doanh nghiệp đã trích khấu hao TSCĐ chưa đúng quy định số tiền 17,3 tỷ đồng.

Tại VNPT, có 3 đơn vị hoạch toán phụ thuộc được thanh tra hạch toán không đúng chi phí khấu hao TSCĐ số tiền hơn 17,2 tỷ đồng, gồm: Viễn thông Nghệ An: Trích khấu hao không đúng hơn 785 triệu đồng (trong đó, tăng không đúng hơn 943 triệu đồng của 133 tài sản cố định và trích thiếu khấu hao hơn 158 triệu đồng của 18 tài sản cố định).

VNPT và đơn vị thành viên kinh doanh thua lỗ, nguy cơ mất vốn hàng trăm tỷ đồng - Hình 1

Về quản lý TSCĐ, Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện có 2/5 doanh nghiệp đã trích khấu hao TSCĐ chưa đúng quy định số tiền 17,3 tỷ đồng

Viễn thông Lâm Đồng: Trích khấu hao không đúng hơn 1,3 tỷ đồng (trong đó, tăng không đúng hơn 7,1 tỷ đồng của 33 tài sản cố định và trích thiếu khấu hao hơn 5,8 tỷ đồng của 32 tài sản cố định); Công ty Viễn thông Quốc tế: Trích khấu hao tăng không đúng hơn 3,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty CP Viễn thông – Tin học Bưu điện (CT – IN): Trích tăng không đúng chi phí khấu hao tài sản cố định năm 2016 số tiền hơn 99 triệu đồng do xác định thời gian trích khấu hao không đúng của Thiết bị lưu trữ Viễn thông Tiền Giang.

Kinh doanh thua lỗ, nguy cơ mất vốn hơn 637 tỷ đồng

Đặc biệt, về hoạt động đầu tư tài chính, kết quả thanh tra tại 3/5 DN đến thời điểm 31/12/2016 cho thấy, các doanh nghiệp này có tổng vốn đầu tư khoảng 6.553 tỷ đồng. Trong đó, tổng số vốn đầu tư tiềm ẩn rủi ro mất vốn hơn 637 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 10% tổng vốn đầu tư.

VNPT và đơn vị thành viên kinh doanh thua lỗ, nguy cơ mất vốn hàng trăm tỷ đồng - Hình 2

VNPT và các đơn vị thành viên kinh doanh thua lỗ, tiền ẩn nguy cơ mất vốn hơn 637 tỷ đồng

Cụ thể, Tại VNPT, số vốn đầu tư tài chính dài hạn là hơn 6.311 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào 28 công ty con 5.077 tỷ đồng. Năm 2016 có 27/28 công ty con hoạt động kinh doanh có lãi khoảng 1.809 tỷ đồng; còn 1/28 công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ hơn 2,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có 10 công ty con của VNPT đang kinh doanh thua lỗ, số lỗ tính đến thời điểm 31/12/2016 là hơn 679 tỷ đồng. Số vốn đầu tư tiềm ẩn rủi ro mất vốn của 28 công ty con trực thuộc VNPT tính theo tỷ lệ góp vốn là hơn 563 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2016 VNPT đầu tư hơn 540 tỷ đồng vào 30 công ty liên kết. Trong đó, có 27 công ty hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi khoảng 290 tỷ đồng; 3 công ty kinh doanh thua lỗ hơn 7 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2016 là hơn 134 tỷ đồng. Số vốn đầu tư của các công ty liên kết tiềm ẩn rủi ro mất vốn tính theo tỷ lệ góp vốn là hơn 29 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VNPT còn đầu tư vốn hơn 694 tỷ đồng vào nhiều hoạt động khác tại 12 đơn vị. Tuy nhiên, trong năm 2016 chỉ có 4 đơn vị kinh doanh có lãi khoảng 384 tỷ đồng... Là một trong những đơn vị kinh doanh có lãi trong năm 2016, nhưng số lỗ lũy kế của Công ty CP Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn lại lỗ lũy kế khoảng 102 tỷ đồng. Số vốn còn lại được VNPT đầu tư vào các tổ chức viễn thông nhiều nước như ATH, Acasia Malaysia, Intersputnik.

Tại Công ty CP Công nghệ Công nghiệp Viễn Thông, số vốn đầu tư tài chính dài hạn vào 3 công ty con là hơn 156 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 cả 3 công ty này đều kinh doanh có lãi, lợi nhuận vào khoảng 122 tỷ đồng. Tuy nhiên, do góp hơn 38,8 tỷ đồng (chiếm 60% vốn điều lệ) vào Công ty TNHH Sản xuất Thiết bị Viễn thông bị thua lỗ, số lỗ tính đến thời điểm 31/12/2016 là hơn 21,5 tỷ đồng. Tiềm ẩn rủi ro mất vốn tính theo tỷ lệ góp vốn là hơn 12,9 tỷ đồng.

Tại Công ty CP Viễn thông Tin học – Bưu điện, số vốn đầu tư tài chính dài hạn vào 6 công ty là hơn 85,1 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 cả 6 công ty đều kinh doanh có lãi, lợi nhuận khoảng 95 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 2 công ty lỗ lũy kế, đến thời điểm 31/12/2016 là hơn 137 tỷ đồng. Tiềm ẩn rủi ro mất vốn tính theo tỷ lệ góp vốn là khoảng hơn 22,5 tỷ đồng.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Ngọc Anh