Lúc 6h chiều 12/2 theo giờ Việt Nam, trong cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định ở Strasbourg, với tỷ lệ 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Ngay sau đó, Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) cũng được phê chuẩn với 407 ủng hộ, 188 chống, 53 trắng.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: “Với kết quả tích cực ngày hôm nay, thời gian tới đây, chúng tôi sẽ đẩy nhanh quy trình pháp lý để sớm thảo luận và thông qua Hiệp định EVFTA, sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để trình Chủ tịch Nước. Trong buổi thông qua Hiệp định ngày hôm nay, các Nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu rất ủng hộ hiệp định này”, Bộ trưởng Công Thương cho hay.
Điều đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam đang chứng minh uy tín, vị thế của mình thông qua việc trở thành Thành viên không thường trực của Đại hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đồng thời là Chủ tịch ASEAN thì việc bỏ phiếu thông qua hai hiệp định EVFTA và EVIPA giúp Việt Nam phát huy mạnh mẽ hơn nữa vị thế của mình trên trường quốc tế.Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua EVFTA và IPA với 401 phiếu ủng hộ
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch của EuroCham chia sẻ, đây là thời khắc lịch sử của quan hệ châu Âu - Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai phía. Các hiệp định này sẽ cho phép doanh nghiệp châu Âu đón đầu xu thế phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam, có thêm cơ hội tham gia vào các thị trường, sản phẩm và dịch vụ của châu Âu.
Tương tự như vậy, các công ty châu Âu cũng có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường đang phát triển mạnh của Việt Nam.
Chủ tịch của EuroCham nhấn mạnh, cuộc bỏ phiếu này là kết tinh của gần một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu từ năm 2012 và EuroCham đã đồng hành cùng EVFTA trong suốt 12 vòng đối thoại đó.
Kể từ khi thỏa thuận được chính thức kết thúc đàm phán vào năm 2015, chúng tôi đã vận động mạnh mẽ để thuyết phục các nghị sĩ thuộc nghị viện Châu Âu (MEP) về các lợi ích của Hiệp định EVFTA. Không chỉ gói gọn trong các hoạt động đầu tư thương mại, hiệp định này còn cải thiện sinh kế, mức sống và mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử ngày hôm nay mới chỉ là khởi đầu. Ngay bây giờ, chúng ta cần đảm bảo việc triển khai Hiệp định EVFTA diễn ra suôn sẻ để các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà Hiệp định này mang lại.
EuroCham sẽ luôn đồng hành và tiếp tục thúc đẩy quá trình này. Chúng tôi cam kết sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các đối tác để đảm bảo rằng lợi ích mà Hiệp định mang lại sẽ đạt được các kỳ vọng trong thực tiễn, Chủ tịch của EuroCham khẳng định.
Bước tiếp theo và cũng là bước cuối cùng trước khi EVFTA có thể đi vào hiệu lực đó là cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Việt Nam.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
PV