Một phần trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Cục Hải quan TP. HCM

Cụ thể, ngày 19/6/2017, tại Công văn số 2215/VKSTC-V1 của VKSNDTC, ông Nguyễn Tố Toàn, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra an ninh, qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, đã cho ý kiến về vụ án Nguyễn Trường Duy, phạm tội nhận hối lộ quy định tại điều 279 Bộ luật Hình sự như sau:

VKSNDTC (Vụ 1) xác định: Nguyễn Trường Duy đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiệm vụ, quyền hạn của Đội Kiểm soát trong việc phối hợp với các chi cục kiểm tra thực tế hàng hóa của các doanh nghiệp để nhận hối lộ của các cá nhân, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa qua cảng Sài Gòn Khu vực 1 (cảng Cát Lái).

Vụ án công chức Hải quan TP. HCM nhận hối lộ: VKSNDTC chỉ rõ nhiều sai phạm - Hình 1

Công văn số 2215/VKSTC-V1 của VKSNDTC

Hành vi của Nguyễn Trường Duy đã xâm phạm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành hải quan, gây cản trở hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM. Vụ án xảy ra, có nguyên nhân từ công tác quản lý cán bộ, công tác phối hợp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại của Đội Kiểm soát với các chi cục thuộc Cục Hải quan TP. HCM.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của Nguyễn Trường Duy, VKSNDTC xác định: “Trong công tác quản lý cán bộ, đối với công chức Nguyễn Trường Duy, đã không làm tốt công tác quản lý cán bộ, công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn từ tháng 9/2014 đến khi bị bắt. Kết quả công tác của Nguyễn Trường Duy không được phản ánh, quản lý theo đúng quy định.

Nguyễn Trường Duy lợi dụng quyền hạn được giao, nhận tiền hối lộ của các cá nhân doanh nghiệp nhiều lần với số lượng lớn, xảy ra trong thời gian dài nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Lãnh đạo Cục Hải quan TP. HCM được phân công, chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo về công tác này, đã không có biện pháp quản lý, kiểm tra để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời”.

Đối chiếu với nội dung trên cho thấy, VKSNDTC đã khẳng định, chỉ ra trách nhiệm của lãnh đạo Cục Hải quan TP. HCM phụ trách giai đoạn đó chính là ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng.

Liệu có câu giờ để “thoát án” kỷ luật?

Về giải pháp, kiến nghị, VKSNDTC kiến nghị: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thực hiện 3 nội dung, trong đó có việc: “Chỉ đạo Cục Hải quan TP. HCM có biện pháp tăng cường công tác quản lý cán bộ; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng của Nguyễn Trường Duy với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra nhiều lần, trong thời gian dài nhưng không được ngăn chặn, phát hiện xử lý; có biện pháp xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.

Vụ án công chức Hải quan TP. HCM nhận hối lộ: VKSNDTC chỉ rõ nhiều sai phạm - Hình 2

Ông Đình Ngọc Thắng từng phụ trách trực tiếp Nguyễn Trường Duy trong một thời gian dài

Theo nội dung trên, có thể thấy rõ, VKSNDTC đã kiến nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong những người liên quan trực tiếp, không ai khác chính là ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng phụ trách đơn vị này.

Thế nhưng, một điều khó hiểu là hơn 1 tháng đã trôi qua, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vẫn chưa hề có chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của bất cứ tập thể, cá nhân nào, càng không hề nhắc đến việc phải làm rõ trách nhiệm của ông Đinh Ngọc Thắng?

Bên cạnh đó, việc lãnh đạo Tổng cục Hải quan ra văn bản yêu cầu Cục Hải quan TP. HCM rà soát, báo cáo các trường hợp đi nước ngoài (trong vòng 1 tháng), khiến dư luận hoài nghi: Có hay không việc “câu giờ” để ông Đinh Ngọc Thắng, Đỗ Thanh Quang (Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất) thoát án kỷ luật?

Vụ án công chức Hải quan TP. HCM nhận hối lộ: VKSNDTC chỉ rõ nhiều sai phạm - Hình 3

Văn bản của Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan TP. HCM rà soát, báo cáo các trường hợp đi nước ngoài

Hơn nữa, trong Văn bản 1932/HQHCM-TCCB ngày 3/7/2017 gửi Tổng cục Hải quan, ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP. HCM đã nhắc đến Nghị định số 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.

Khoản 1, Điều 6 của nghị định này quy định: “Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật”.

Dư luận băn khoăn: Với việc kéo dài xử lý làm rõ trách nhiệm của ông Đinh Ngọc Thắng trong vụ án Nguyễn Trường Duy (xảy ra cuối năm 2015), phải chăng, Tổng cục Hải quan đang cố tình kéo dài thời gian xử lý, để hết thời hiệu xử lý kỷ luật ông Đinh Ngọc Thắng?

Nhóm PV