Hai vụ án làm ly tán đại gia đình ông Thìn!
Sáng 23/8/2019, Toà án nhân dân Thành phố Hải phòng đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa 8 anh chị em ông Nguyễn Văn Thìn (trú phường Dư Hàng Kênh, Hải Phòng).
Theo bản án sơ thẩm, gia đình cụ Nguyễn Văn Lại và cụ Dương Thị Tèo có 8 người con là bà Nguyễn Thị Vĩnh, ông Nguyễn Văn Thìn, Nguyễn Thị Rơi, Nguyễn Văn Đào, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Tám. Khi còn sống, 2 cụ có tài sản là thửa đất 368 m2 và một số thửa ruộng rau xanh tổng 140 m2.
Thẩm phán - chủ toạ phiên toà Vũ Thị Hải Hà tuyên án phúc thẩm
Các cụ đã phân chia đất cho các con, trong đó: Cho ông Ngọc căn nhà cũ đang ở khoảng 55 m2; cho ông Tám khoảng 61,7 m2 trong khu vườn; cho bà Hoa khoảng 33 m2; cho ông Đào khoảng 140 m2 đất rau xanh; còn lại cho ông Thìn khoảng 79 m2 (sau này đo lại là 92,3 m2) để ông Thìn ở và làm nơi thờ cúng.
Hiện nay, thửa đất của ông Thìn được chia, đã cho con trai là Nguyễn Văn Thắng (cháu đích tôn của gia đình) sinh sống ổn định từ năm 2003.
Nhưng bỗng nhiên đầu năm 2017, chị và các em ông Thìn làm đơn khởi kiện - kiện ông Thìn và anh Nguyễn Văn Thắng để đòi chia thửa đất 92,3 m2 này.
Ngày 8/9/2017, toà sơ thẩm quận Lê Chân đã tuyên xử, chấp nhận đơn khởi kiện của các đồng nguyên đơn, buộc ông Thìn, anh Nguyễn Văn Thắng phải chia thửa đất 92,3 m2 là di sản thừa kế cho các đồng nguyên đơn.
Không chấp nhận phán quyết của cấp tòa sơ thẩm, anh Nguyễn Văn Thắng, ông Nguyễn Văn Thìn đã làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm.
Cũng trong thời gian này, ông Thìn, anh Thắng đã làm đơn khởi kiện 4 người em ông Thìn, yêu cầu toà án chia 4 di sản chưa chia nói trên của cụ Lại, cụ Tèo để lại. Toà án nhân dân Thành phố Hải Phòng đã có Quyết định thụ lý giải quyết sơ thẩm vụ án này.
Ngày 22/3/2018,Toà án nhân dân Thành phố Hải Phòng đưa vụ án này ra xét xử Phúc thẩm. Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn lại do phía bị đơn và luật sư Nguyễn Quang Chiến, Trịnh Văn Nam (Đoàn Luật sư Hải Phòng) đã đưa ra những tài liệu, chứng cứ mới cho thấy, HĐXX cấp sơ thẩm đã không đánh giá khách quan, toàn diện các chứng cứ liên quan của vụ án; không giám định chữ ký, chữ viết của cụ Lại và các đồng nguyên đơn tại những tài liệu do ông Thìn, anh Thắng cung cấp...
Vì vậy, HĐXX đã tạm dừng phiên toà để giám định chữ ký, chữ viết của cụ Lại tại: 1- “Đơn xin tách đất cho con” do cụ Lại, cụ Tèo nhờ người viết đơn vào ngày 5/8/1992, để phân chia đất cho 4 người con trai là ông Thìn, ông Tám, ông Ngọc và ông Đào. Đơn này còn được ông Trưởng thôn Ngô Thế Phẩm xác nhận; xác định chữ ký, chữ viết của 5 trong số 6 anh chị em ông Thìn đã tham dự và ký vào “Biên bản họp gia đình” tại nhà ông Thìn vào ngày 11/8/2003.
Theo anh Nguyễn Văn Thắng – cháu đích tôn cụ Lại cho biết: “Từ khi các cô chú tôi tiến hành khởi kiện đòi chia đất của bố tôi đã cho tôi quản lý sử dụng từ năm 2003, đại gia đình bên nội tôi đã chia làm 2 phe. Các cô chú, với bố mẹ tôi và chúng tôi đã hiều lần cãi lộn nhau. Từ 3 năm nay, 7 cô chú đã bỏ về nhà chú Đào để cúng ông, bà. Thậm chí, mẹ tôi mất, họ cũng không đến viếng… Thực sự là đau sót!”.
Huỷ bản án sơ thẩm, nhập 2 vụ án làm một để giải quyết!
Ngày 23/8/2019, khi có kết quả giám định và Toà án đã thu thập được một số tài liệu chứng cứ, HĐXX phúc thẩm lại tiếp tục giải quyết vụ án.
Di sản thừa kế của cụ Lại, cụ Tèo do ông Ngọc đang quản lý tại số 10 Hoàng Minh Thảo, Hải Phòng
Tại phiên sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm, các đồng nguyên đơn đều cho rằng: “Ông Thìn – là anh trưởng trong gia đình do được HTX giao đất nên không được các cụ cho đất. Thửa đất 368 m2 của cụ Tèo, cụ Lại, khi còn sống đã cho “bằng miệng” một số người con là ông Đào, ông Tám, ông Ngọc, bà Hoa nên không có cơ sở để chia các di sản do các ông bà này quản lý.
Số đất di sản còn lại của các cụ là 92,3 m2, hiện nay anh Thắng chị Nga (con ông Thìn) đã xây dựng nhà ở và đứng tên trên sổ mục kê đất đai từ năm 2005 đến nay - là di sản thừa kế của cụ Lại, cụ Tèo chưa chia cho các đồng thừa kế. Với lý do “ông Thìn tự sử dụng di sản và mang di sản cho anh Thắng, chị Nga ở nhờ, không chịu chia nên làm đơn khởi kiện”.
Các đồng nguyên đơn còn khẳng định, từ trước đến nay họ chưa từng họp và ký vào biên bản nào liên quan đến việc chia đất di sản kế. Họ khẳng định: “Đơn xin tách đất cho con ngày 5/8/1992, trong đó có chữ ký, chữ viết của cụ Lại, cụ Tèo và xác nhận của ông Trưởng thôn Ngô Thế Phẩm; Biên bản họp gia đình thoả thuận chia tách quyền sử đụng đất ngày 11/8/2003, có chữ ký và chữ viết của 7/8 anh chị em ông Thìn… là lập khống, giả mảo. Toà cấp sơ thẩm cũng mặc nhiên coi 2 tài liệu chứng cứ nói trên do không được chính quyền địa phương xác nhận nên cũng gạt ra, không xem xét để trưng cầu giám định!".
Ông Thìn, anh Thắng, chị Nga thì cho rằng: “Ông Thìn là con trưởng nên được các cụ cho đất để ở và thờ cúng là điều đương nhiên. Vì con thứ là ông Đào, ông Ngọc, ông Tám, bà Hoa – các cụ cũng cho đất, thì không lý gì lại không cho con trưởng. Vì vậy, nếu đã chia thì mang tất cả các thửa đất là di sản thừa kế của các cụ mà ông Đào, ông Ngọc đang quản lý sử dụng; số đất bà Hoa, ông Tám đã bán trái pháp luật ra để chia đều cho các đồng thừa kế".
Tuy nhiên, những văn bản ông Thìn, anh Thắng, chị Nga đưa ra để bảo vệ quyền lợi của mình thì không được các nguyên đơn và HĐXX cấp sơ thẩm chấp nhận. Những “lý lẽ” về việc các cụ cho đất 4/7 nguyên đơn “bằng miệng” thì toà cấp sơ thẩm cho là “hợp lý” (?!).
Tại bản án và một số bút lục đều thể hiện, di sản thừa kế của cụ Lại, cụ Tèo có nguồn gốc từ năm 1950 và được ghi nhận tại bản đồ giải thửa năm 1980, là đất thổ cư 368 m2 đất tại tờ bản đồ số 01 thửa đất 676 năm 1980, mang tên cụ Lại và sau đó ghi là thửa 1696, tại các tài liệu sổ mục kê, bản đồ năm 1990, 1995 đều thể hiện mang tên cụ Lại. Nhưng sau đó, năm 2005, lại tách ra thành 4 thửa: thửa số 176, bản đồ số 27 mang tên ông Ngọc 79,7m2; thửa số 177, tờ bản đồ 27 mang tên ông Thắng diện tích 97,3; thửa số 178, tờ bản đồ 27 mang tên ông Tám 75,8m2 và tờ bản đố số 35 thửa số 20 mang tên bà Hoa, nay là bà Hương diện tích 39,9m2… Việc cụ Lại, cụ Tèo cho những người này bằng văn bản hay bằng miệng, đến nay chưa có tài liệu nào thể hiện cụ thể, chính xác.
Căn cứ vào Kết luận giám định số 117 của Viên Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát) thì, ngoài chữ ký, chữ viết của bà Vĩnh được cơ quan giám định kết luận là chưa đủ cơ sở khẳng định, các ông Tám, Tiên, Ngọc và bà Hoa đều đã được cơ quan giám định kết luận là “do cùng một người viết ra”. Qua đây, chứng tỏ các đồng thừa kế là ông Tiên, ông Tám, ông Ngọc, bà Hoa có tham dự cuộc họp gia đình ông Thìn về việc thống nhất, thoả thuận, chia tách quyền sử dụng đất của ông Thìn được cụ Lại đã cho từ trước, nay chia cho các con chung và con riêng của ông Thìn. Họ cũng không có ý kiến phản đối hay đòi chia di sản này. Như vậy, có thể hiểu là các đồng thừa kế trên đã thừa nhận phần đất mà ông Thìn đang quản lý sử dụng đã được cụ Lại cho từ trước nên đã đồng thuận ký vào biên bản.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, qua phần hỏi, tranh luận giữa các đương sự, các luật sư và qua điểm của vị đại diện VKS tại phiên toà, HĐXX phúc thẩm đã nhận định, bản án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc không đánh giá chứng cứ liên quan một cách khách quan, toàn diện dẫn đến việc tuyên xử vi phạm pháp luật…
HĐXX cấp phúc thẩm thẩm phán chủ toạ phiên toà Vũ Thị Hải Hài đã quyết định tuyên xử, huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm số 09/2017 ngày 8/9/2017 của toà án quận Lê Chân; đồng thời đề nghị Toà án nhân dân Thành phố Hải Phòng ra Quyết định nhập vụ án này với vụ án dân sự sơ thẩm số 20/2018 được Toà án nhân dân Thành phố Hải Phòng thu lý giải quyết về việc ông Thìn, anh thắng khởi kiện lại các người em ông Thìn để chia các khối di sản của cụ Lại, cụ Tèo để lại mà các ông Tám, ông Ngọc, ông Đào, bà Hoa đang quản lý sử dụng và một số đã chuyển nhượng cho người khác, để chia cho các đồng thừa kế đảm bảo đúng quy định của pháp luật…
Phương Thanh – Gia Tiệp