Nhân viên "tự tung tự tác" với tiền vé!
Bến phà Quang Thanh (thuộc Công ty cổ phần đường bộ Hải Phòng quản lý) thuộc địa bàn huyện An Lão, TP Hải Phòng nối đường tỉnh 360 với đường tỉnh 390. Đây là tuyến giao thông kết nối huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương với các huyện An Lão, quận Kiến An, quận Lê Chân, TP Hải Phòng.
Là một đầu mối giao thông quan trọng, kết nối với nhiều địa bàn liên tỉnh giữa hai tỉnh Hải Dương, Hải Phòng nên mỗi ngày có hàng trăm người dân địa phương, các phương tiện giao thông qua lại khá tấp lập. Đặc biệt, vào mỗi dịp hè khi mùa vải Thanh Hà chín rộ, từ sáng sớm đến tối muộn nhân dân các địa phương vận chuyển vải thiều, nhãn, nông sản, thực phẩm qua lại tuyến đường này rất đông đúc.
Bản giá vé qua phà Quang Thanh
Tuy nhiên, từ nhiều năm qua công tác bán vé, kiểm soát vé, quản lý tài chính ở đây gần như buông lỏng. Các nhân viên làm việc trên phà kiêm luôn cả việc thu tiền, nhưng không xuất vé cho khách, trừ những người có nhu cầu lấy vé về thanh toán với cơ quan. Đây cũng là lỗ hổng lớn về quản lý tài chính ở đây. Theo phản ánh của một số người dân quanh khu vực này, với cung cách quản lý này, nhà nước sẽ thất thu do phải chi tiền đóng phà, bảo dưỡng, sửa chữa, xăng dầu, tiền lương nhân công… nhưng việc thu nộp tiền vé, phí cho nhà nước chắc chắn sẽ bị “thăn thiến” hàng ngày.
Theo ghi nhận của PV, bến phà Quang Thanh được niêm yết giá vé dịch vụ rất cụ thể trên bến và ngay trên phà: Xe máy, mô tô thu 6 nghìn đồng/lượt; xe con dưới 9 chỗ ngồi thu 30 nghìn đồng/lượt; xe chở khách thu từ 35 -70 nghìn đồng/ lượt; xe tải thu từ 27 -200 nghìn đồng/lượt tùy theo trọng tải xe….
Tuy nhiên, công tác bán vé, thu tiền vé ở đây gần như được thả nổi cho các nhân viên kéo cáp trên phà!
Nhân viên phà Quang Thanh thu tiền, không đưa vé cho khách
Để đích mục sở thị sự việc này, phóng viên đã có mặt tại bến phà Quang Thanh để ghi nhận hành vi thu tiền nhưng không xé vé cho khách của nhân viên bến phà này.
Theo những hình ảnh mà chúng tôi ghi được, nhân viên bến phà thu tiền trực tiếp của những người đi xe máy với mức giá 6 nghìn đồng/lượt, ô tô loại dưới 9 chỗ thu 30 nghìn đồng/lượt, ô tô tải thu từ 27- 130 nghìn đồng/lượt tùy theo trọng tải xe... nhưng nhân viên bến phà không xé vé cho khách qua phà theo quy định. Xe ô tô của PV khi đi qua phà cũng phải nộp 35 nghìn đồng/lượt (bao gồm xe và người trên xe) mà không được nhân viên bến phà giao vé.
Cụ thể, trong ngày 20/8, ô tô của PV có tất cả 6 lượt đi lại trên bến phà Quang Thanh đều bị thu 35 nghìn/lượt mà không được nhân viên bàn giao vé. Tất cả những xe máy, ô tô tải... của khách đi trên những chuyến phà mà PV đi qua cũng đều được thu tiền mà không nhận được vé. Tính nhẩm mỗi chuyến phà nhân viên thu tiền của khách ước tính từ 400 trăm nghìn đến 500 nghìn đồng.
Mặc dù bến phà Quang Thanh ở 2 đầu bến có nhà chờ, hệ thống hàng rào, ba-ri-e chắn... nhưng nhân viên bến phà lại thu tiền của khách dưới phà.
Bị báo chí phát hiện mới thấy sai!
Hàng ngày có hàng nghìn lượt phương tiện xe máy, ô tô lưu thông trên bến phà Quang Thanh, với tần suất khoảng 25 phút trên chuyến, hoạt động liên tục từ 4 giờ sáng đến 20 giờ tối. Với tần suất như vậy, một ngày bến phà Quang Thanh thu hàng chục triệu đồng từ khách qua phà. Câu hỏi đặt ra là, số tiền các nhân viên tại đây thu của các phương tiện qua đây mà không xé vé sẽ được nộp về cho cơ quan này bao nhiêu và cùng nhau chia bỏ túi như thế nào?
Nhân viên thu tiền vé tại cửa xe ô tô
Trao đổi với PV Báo Th&CL ông Lê Văn Dương – Trưởng bến phà Quang Thanh phân trần: “Do trước đây, bến phà này có ít người và phương tiện qua lại, nên chúng tôi không bố trí nhân viên bán vé, nhân viên soát vé trên bến, mà để khách đi xuống phà ổn định rồi, thì nhân viên kéo cáp, nhân viên làm việc trên bong trực tiếp thu tiền, phát vé luôn cho khách để tiết kiệm nhân lực. Vì vậy, việc này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Hàng ngày, các ca phà làm việc xong sẽ tự giác nộp toàn bộ số tiền về cơ quan. Theo tính toán bình quân, những ngày thời tiết thuận lợi, chúng tôi thu được khoảng 9 triệu đồng/ngày, những ngày mưa gió thì thấp hơn. Nhìn chung là thu đã có định mức rồi, nên không thể có chuyện nhân viên “bớt xén” tiền vé phà để tư túi…
Khi phóng viên hỏi: “Bến phà có gắn camera và kiểm soát qua camera không mà lãnh đạo cơ quan có thể kiểm soát được 100% tiền vé”? “Chúng tôi chỉ gắn camera ở hai đầu bến, còn trên phà thì không. Hơn nữa thỉnh thoảng lãnh đạo bến chúng tôi cũng đi kiểm tra đột xuất, nên anh em không thể làm sai.”
Trước câu hỏi “Ông thấy, cách quản lý để cho nhân viên tự thu, tự nộp tiền vé phà như vậy có đúng quy định của cơ quan không?” thì ông Dương lúng túng “Thú thực như vậy là sai. Khi sự việc xảy ra, tôi đã yêu cầu cả ca phà đó phải làm kiểm điểm, giải trình. Bản thân tôi là người đứng đầu bến cũng thấy mình có lỗi. Chiều nay, lãnh đạo Công ty CP đường bộ Hải Phòng chúng tôi đã đến bến kiểm tra, họp chỉ đạo chúng tôi phải chấn chỉnh ngay cách quản lý tài chính tại bến, yêu cầu chúng tôi giải trình để có hình thức kiểm điểm…”
Tháng 5/2019, Cơ quan Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ “quay vòng vé” tại bến phà Gót. Cụ thể, theo qui định, khách mua vé ở quầy bán vé sẽ đi qua cửa soát vé và nhân viên soát vé phải xé rồi trả lại cho khách. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an bắt quả tang các nhân viên soát vé tại 2 đầu phà Gót - Cái Viềng thay vì việc xé vé rồi trả lại cho khách giữ khi trên phà thì những nhân viên này đã không xé, mà còn thu luôn vé của hành khách, rồi chuyển “quay đầu” ra quầy bán vé để nhân viên bán vé bán lại cho các hành khách đi sau để thu lợi bất chính. Vé được quay đầu chủ yếu là vé ô tô và xe máy.
Tiến hành khám xét tại phòng bán vé, phòng soát vé, cơ quan công an đã thu giữ nhiều vé phà đã qua sử dụng cùng nhiều tài liệu, sổ sách, chứng từ thể hiện hành vi quay vòng vé của các nhân viên bến phà này.Cơ quan CSĐT Công an TP. Hải Phòng đã tạm giữ hình sự 11 người là cán bộ, nhân viên bán vé, soát vé để điều tra, làm rõ về hành vi Tham ô tài sản, gồm: Nguyễn Văn Vang (SN 1970, Bến trưởng Ban quản lý Bến phà Gót); Bùi Hồng Văn (SN 1964), Đỗ Văn Hữu (SN 1980, cùng là Kíp trưởng, kiêm nhân viên soát vé); Trần Thị Bảy (SN 1970), Nguyễn Thị Lâm Chi (SN 1984, cùng là nhân viên bán vé); Lê Văn Xưởng (SN 1993); Nguyễn Văn Chiến (SN 1992); Nguyễn Thị Tuyết (SN 1970); Vũ Đình Huy (SN 1986); Tô Hữu Dũng (SN 1994) và Trần Minh Hoàng (SN 1969, cùng là nhân viên soát vé).Điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan công an đã ra các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 11 đối tượng nêu trên; đồng thời khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Mến (SN 1982, trú tại huyện Cát Hải) cùng về hành vi phạm tội Tham ô tài sản.
Luật Gia