Ngổn ngang trường lớp sau lũ

Sau gần 2 ngày, Trường Tiểu học Yên Định (Sơn Động) ngập trong nước lũ, đến sáng 9/9, nước đã rút đi để lại lớp bùn non đặc quánh trên sân trường, phòng học. Mọi thứ ngổn ngang sau lũ, thậm chí nhà riêng vẫn đang bộn bề nhưng các thầy, cô giáo tạm phải gác lại để đến trường nhanh chóng khắc phục hậu quả kịp đón học sinh trở lại trường. Các thầy giáo tập trung thu dọn đống đổ nát từ bờ tường đổ, bàn ghế gãy, cửa kính vỡ vụn, chặt dọn những cây to bật gốc ngả nghiêng. Các cô phun nước cọ rửa phòng học, sân trường, sắp xếp lại đồ dùng. Nhiều chỗ bùn quánh, mọi người phải lấy bồ cào đẩy, thu gọn ra vườn để những ngày tới trồng lại số cây xanh bị đổ trong sân trường. Tập trung hoàn thành phần việc ở khu chính, các thầy cô lại vội vàng đến điểm trường lẻ ở hai thôn Khe Táu và Tiên Lý để dọn dẹp. Cảnh tượng khu lẻ còn kinh khủng hơn bởi tường rào đổ, cây cối ngả nghiêng, dãy phòng học bong tróc, nhiều mảng tường loang lổ, ẩm thấp.

Giáo viên Trường THCS thị trấn An Châu (Sơn Động) dọn dẹp sau bão để đón học sinh trở lại trường.
Giáo viên Trường THCS thị trấn An Châu (Sơn Động) dọn dẹp sau bão để đón học sinh trở lại trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Luyện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học này, nhà trường có 20 lớp với 457 học sinh học tập ở khu trường chính và 2 điểm lẻ. Thế nhưng điểm trường nào cũng bị lũ tràn qua gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở vật chất. Lo lắng nhất là sau lũ dễ xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nên sau khi dọn dẹp, nhà trường phối hợp với Trạm Y tế xã khử trùng các phòng học, phòng chức năng để bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh trở lại giảng dạy và học tập”. UBND xã Yên Định cũng cử đoàn thanh niên đến hỗ trợ từ sớm. Phụ huynh học sinh chung tay dọn dẹp để trường lớp được gọn gàng, sạch sẽ sẵn sàng cho buổi học ngày mai (10/9) nếu mưa lũ dứt.

Giáo viên Trường Mầm non Vĩnh An số 2 (Sơn Động) cùng các lực lượng hỗ trợ dọp dẹp trường lớp.
Giáo viên Trường Mầm non Vĩnh An số 2 (Sơn Động) cùng các lực lượng hỗ trợ dọp dẹp trường lớp.

Do địa hình dốc, lũ từ Lạng Sơn đổ về nhanh qua huyện Sơn Động gây ngập úng ở 4 trường: Tiểu học, THCS Cẩm Đàn, điểm lẻ của Trường Mầm non Tuấn Đạo số 1 (khu Nghẽo), điểm lẻ của Trường Tiểu học Yên Định. Nằm trên đồi, các trường cơ bản đều đã thoát nước. Đến sáng 9/9, huyện Sơn Động không còn cơ sở giáo dục bị ngập. Lo lắng nhất là sau lũ xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt liên quan đến đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp, Phòng GD&ĐT huyện đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tập trung tiêu độc, khử trùng, yêu cầu các nhà trường trong thời gian này không dùng nước giếng mà sử dụng nước qua thiết bị lọc để bảo đảm vệ sinh. Đối với số bàn ghế, đồ dùng, thiết bị dạy học hỏng hóc, các nhà trường chủ động khắc phục, sửa chữa, tự chế để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong bối cảnh hiện nay.

Lũ dâng nhanh, nhiều trường học của huyện Lục Ngạn cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Do ở sát bờ sông Lục Nam, Trường THCS Trần Hưng Đạo, thị trấn Chũ bị ngập sâu nhất, nhiều chỗ ngập gần hết tầng 1 tòa nhà lớp học. Khi nước rút, bùn đất ngập cả nền lớp học và sân trường.

Các chiến sĩ Sư đoàn 325 hỗ trợ Trường THCS Trần Hưng Đạo (thị trấn Chũ, Lục Ngạn) hỗ trợ dọn bùn trong sân trường.
Các chiến sĩ Sư đoàn 325 hỗ trợ Trường THCS Trần Hưng Đạo (thị trấn Chũ, Lục Ngạn) hỗ trợ dọn bùn trong sân trường.

Chia sẻ khó khăn với nhà trường, Sư đoàn 325 cử 30 chiến sĩ đến đây cùng cán bộ, giáo viên tập trung dọn dẹp. Việc đầu tiên là dồn hết đống bùn đất ra khỏi phòng học, sân trường, đưa máy bơm vào thau rửa từng phòng. Những đồ dùng, bàn ghế chưa hư hỏng được vệ sinh, phơi khô để sử dụng. May mắn là trước khi lũ tràn về, nhà trường đã kịp di chuyển các thiết bị dạy học, đồ dùng giá trị lên tầng 2. Thầy giáo Phạm Hữu Vang, Hiệu trưởng nói: “Chắc phải mất từ 2-3 hôm mới dọn dẹp được cơ bản. Ngày mai, học sinh chưa đi học được vì vẫn ngổn ngang lắm. Dù khó khăn nhưng nhà trường đang tập trung cao khắc phục hậu quả để 552 học sinh ở 16 lớp của trường sớm được đi học”.

Hoàn lưu sau bão đã gây hậu quả nghiêm trọng với hệ thống trường lớp trên địa bàn huyện Lục Ngạn. Bà Trần Thị Minh Sử, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lục Ngạn cho biết: “Toàn huyện có 21 trường bị ngập nước. Một số đơn vị ngập sâu như: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, các trường THCS Biển Động, Tiểu học Hồng Giang. Các trường ở xã Phong Vân, Tân Hoa, Biển Động, Đèo Gia, Tân Lập bị chia cắt. Đến chiều 9/9, cơ bản nước đã rút, Phòng chỉ đạo các trường chủ động dọn dẹp, thau rửa, vệ sinh khử khuẩn để bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh sau lũ”.

Tập trung khắc phục hậu quả

Nhiều trường học trên địa bàn huyện Sơn Động, Lục Ngạn không bị lũ tràn qua gây ngập úng nhưng cũng bị hư hỏng nặng do sự tàn phá của bão số 3. Theo rà soát của Sở GD&ĐT, đến ngày 9/9, toàn tỉnh có 55 trường học của các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam bị ảnh hưởng nặng từ cơn bão số 3. Ví như: Trường THCS Tân Mộc (Lục Ngạn) bung mái tôn dãy nhà lớp học, Tiểu học Đại Sơn (Sơn Động) tốc mái tôn nhà lớp học và dãy hiệu bộ, THPT Sơn Động số 2 sập nhà để xe, lật mái tôn tòa nhà chức năng, Mầm non Hoa Sữa, thị trấn An Châu (Sơn Động) lật toàn bộ mái vòm khu vui chơi...

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn bị ngập nước do lũ tràn về.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn bị ngập nước do lũ tràn về.

Đặc biệt, toàn tỉnh có 26 cơ sở giáo dục bị ngập nước, 39 trường bị tốc mái gây hư hỏng gần 6 nghìn m2 mái tôn, hơn 80 m tường rào, 14 cổng trường, 7 phòng học, đổ 650 cây to và nhiều thiết bị dạy học ước tính thiệt hại hơn 11 tỷ đồng. Trước đó do nắm bắt sát tình hình mưa bão, các trường trong vùng ngập nước đã cơ bản sơ tán đồ đạc, dụng cụ học tập lên tầng cao để bảo quản. Tuy nhiên, do cơn bão quá mạnh, nước lũ dâng nhanh nên nhiều trường học vẫn bị thiệt hại lớn.

Lũ đã rút dần, toàn tỉnh không còn cơ sở giáo dục bị ngập nước nhưng hiện nay ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam tiếp tục mưa to, nguy cơ lũ lớn. Học sinh ở các thôn của một vài xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động vẫn bị chia cắt chưa thể tới trường.

Tranh thủ khi nước rút dần, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Giang (Lục Ngạn) dọn dẹp sân trường.
Tranh thủ khi nước rút dần, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Giang (Lục Ngạn) dọn dẹp sân trường.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường không được chủ quan, lơ là, tiếp tục duy trì nghiêm lực lượng ứng trực, phòng, chống thiên tai, tập trung cao chỉ đạo, triển khai khắc phục hậu quả mưa bão, bảo đảm an toàn trường học, cố gắng tối đa để đưa học sinh trở lại trường học tập sớm nhất. Sở GD&ĐT đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP căn cứ tình hình thực tế chỉ đạo Phòng GD&ĐT và các trường mầm non, tiểu học, THCS, nơi nào đủ điều kiện, bảo đảm an toàn thì cho học sinh trở lại trường. Trường hợp chưa bảo đảm điều kiện an toàn thì cho học sinh nghỉ học để khẩn trương khắc phục thiệt hại và bố trí cho học sinh học bù vào thời gian thích hợp”.

Bá Đoàn