Hỏi:
Kính gửi: Bộ Tài chính,
Hiện nay, Công ty Kho vận đá bạc – Vinacomin đang có vướng mắc về xác định đầu mã HS của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, được quy định tại Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 8/6/2022, của Bộ Tài chính. Cụ thể như sau:
Công ty đang thực hiện tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu của 1 gói thầu mua sắm hàng hóa; loại hàng hóa là “toa xe chở hàng trên đường sắt, tải trọng 30 tấn, loại không tự hành”.
Theo yêu cầu của Hồ sơ mời thầu, nhà thầu phải cung cấp hợp đồng tương tự về loại hàng hóa: Cung cấp, lắp đặt toa xe (hoặc thiết bị có trong mã HS: 86.06.xx.xx).
Trong quá trình đánh giá Hồ sơ dự thầu, có 1 nhà thầu tham dự thầu với hợp đồng tương tự có hàng hóa là “xe ô tô ray công vụ GC-220II” - được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong đó, một số thông số kỹ thuật chính của thiết bị hàng hóa, như sau:
Xe ô tô ray công vụ: Khổ đường 1000 mm; đường kính bánh xe 840 mm; khoảng cách trục 5000 mm; chế độ lái xe truyền động cơ khí; động cơ - công suất ≥ 216 kW; hệ thống khí nạp turbo; 6 máy thẳng hàng, làm mát bằng nước; cơ cấu lái cabin - cabin lái 2 đầu; hộp số giá di chuyển - được đặt với thanh kẹp;
Lò xo xoắn hình trụ kim loại sơ cấp dạng treo, 2 cụm xi lanh thủy lực giảm chấn, được sử dụng để làm giảm lực rung; kèo theo cao su chịu lực chống xô ngang; hệ thống hãm - loại hãm thường đóng; model JZ7 hoặc tương đương; có trang bị phanh tay an toàn; có bình tích áp; bình tích áp khoảng 7 – 9 kg, có kiểm định;
Ly hợp - ly hợp kép, loại khô, vật liệu gốm kim; xuất xứ châu Âu; mô - men truyền động > 3400N.m với đường kính ly hợp ngoài trên 380 mm; hộp số trục kép, 9 số tiến và 1 số lùi; cần số chữ H; mô - men truyền động 1490N.m tại vòng tua 2.600 vòng/ph…
Tuy nhiên, qua đánh giá Hồ sơ dự thầu về Hợp đồng tương tự của nhà thầu trên thì, tổ chuyên gia có 2 ý kiến khác nhau. Cụ thể:
Ý kiến thứ nhất:
Tổ chuyên gia đánh giá hàng hóa nhà thầu tham dự xe ô tô ray công vụ GC-220II, có đầu mã HS là 8604, vì đánh giá đây là “xe bảo dưỡng hoặc phục vụ dùng trong đường sắt”; cơ sở áp dụng là theo Quy định tại Thông tư số 31/2022/TT-BTC - đầu mã HS 8604, bao gồm các loại hàng hóa sau:
Xe bảo dưỡng, hoặc phục vụ dùng trong đường sắt, hoặc đường tàu điện, loại tự hành hoặc không (ví dụ toa xưởng, xe gắn cần cẩu, máy chèn đường, máy đặt ray, toa xe thử nghiệm và xe kiểm tra đường ray).
Toa xe khách (Ảnh minh họa)
Ý kiến thứ hai:
Tổ chuyên gia đánh giá hàng hóa nêu trên có đầu mã HS là 8606 với lý do theo Hồ sơ dự thầu và tài liệu mà nhà thầu cung cấp kèm theo, như sau:
Cam kết của nhà thầu về hàng hóa nêu trên thuộc đầu mã HS 8606; bản scan giấy chứng nhận xuất xứ (CO), trong đó có thể hiện mã HS 8606 (tuy nhiên khi tra cứu theo hướng dẫn tại Giấy chứng nhận xuất xứ tại wepside của hải quan Trung Quốc, thể hiện hàng hóa có mã HS 86.04.00.00, đã làm rõ, nhà thầu không chứng minh được sự sai khác giữa bản scan giấy chứng nhận xuất xứ - CO và thông tin tra cứu).
Vậy, để đảm bảo tính chính xác, minh bạch, Công ty Kho vận đá bạc – Vinacomin kính đề nghị Bộ Tài chính xem xét, cho ý kiến về đầu mã HS của hàng hóa “xe ô tô ray công vụ GC-220II” nêu trên, thuộc mã HS 8606 hay mã HS 8604?
Và để tạo điều kiện cho công ty xác định đúng mã HS - quy định tại Thông tư số 31/2022/TT-BTC, kính mong Bộ Tài chính quan tâm xem xét và sớm có ý kiến để công ty triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Xin trân trọng cảm ơn!
Trả lời:
Căn cứ khoản 1, Điều 26 - Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014, quy định về phân loại hàng hóa:
“Khi phân loại hàng hóa, phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam”;
Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015, của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, Thông tư số 17/2021/TT-BTC ngày 26/2/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015;
Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Toa xe hàng (Ảnh minh họa)
Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018, của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015;
Căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam, ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 8/6/2022, của Bộ Tài chính thì:
Nhóm 86.03 “toa xe khách, toa xe hàng và toa xe hành lý, loại tự hành dùng trên đường sắt, hoặc đường tàu điện, trừ loại thuộc nhóm 86.04”;
Nhóm 86.04 “xe bảo dưỡng, hoặc phục vụ dùng trong đường sắt, hoặc đường tàu điện, loại tự hành hoặc không (ví dụ, toa xưởng, xe gắn cần cẩu, máy chèn đường, máy đặt ray, toa xe thử nghiệm và xe kiểm tra đường ray)”’
Nhóm 86.06 “toa xe hàng và toa goòng dùng trên đường sắt, hoặc đường tàu điện, không tự hành”.
Tham khảo chú giải Tổng quát Chương 86:
“Chương này, bao gồm các đầu máy và toa xe, và các bộ phận của chúng, một số bộ phận cố định và khớp nối, cho đường sắt hoặc đường tàu điện các loại (kể cả đường ray có khoảng cách hẹp, đường sắt một ray...). Chương này, bao gồm các container được thiết kế và trang bị đặc biệt để vận chuyển bằng một, hoặc nhiều phương thức vận tải. Chương này, cũng bao gồm thiết bị tín hiệu, an toàn hoặc điều khiển giao thông các lọai bằng cơ (kể cả cơ điện, kể cả loại dùng cho việc đỗ xe).
Xe tự hành (Ảnh minh họa)
Những hàng hóa khác nhau này, được phân loại như sau:
(A) Phương tiện đường sắt tự hành các loại như đầu máy, toa xe hay toa tàu điện và ô tô chạy trên đường ray, đã được gắn động cơ (nhóm 86.01 đến 86.03). Nhóm 86.02 cũng bao gồm các toa tiếp liệu đầu máy. Đầu máy vận hành bằng 2 loại năng lượng, được phân loại trong nhóm tương ứng với loại sử dụng năng lượng chính.
(B) Xe bảo dưỡng hay phục vụ dùng trong đường sắt hay đường xe điện, có hoặc không tự hành (nhóm 86.04).
(C) Các loại xe kéo (toa xe chở khách dùng cho đường sắt, hoặc đường tàu điện và hành lý, xe lửa hoặc xe điện chở hàng, toa goòng và toa trần...) (nhóm 86.05 và 86.06)”...
Tham khảo chú giải chi tiết nhóm 86.03:
“Toa xe khách tự hành của đường sắt, hoặc đường tàu điện, toa xe hàng và toa xe hành lý, khác với các đầu máy xe lửa, ngoài việc được trang bị một bộ phận sinh công, chúng cũng được thiết kế để chuyên chở hành khách hoặc hàng hóa. Các phương tiện này, có thể được thiết kế để di chuyển đơn lẻ, hoặc được ghép với một hay nhiều phương tiện cùng loại, hoặc ghép với một hoặc nhiều toa moóc.
Đặc điểm chủ yếu của xe này là chúng được gắn với khoang điều khiển, có thể là ở một hoặc cả 2 đầu, hoặc ở một vị trí cao (tháp điều khiển) ở giữa khoang.
Các toa xe khách, toa xe hàng và toa xe hành lý loại tự hành, bao gồm:
(A) Các xe chở khách tự hành chạy điện mà trong xe này, nguồn điện được cung cấp từ một nguồn bên ngoài cố định; ví dụ, thông qua một máy truyền tải điện, hoặc cần lấy điện trong trường hợp đường dây điện ở trên không, hoặc thông qua các vành góp điện lắp trên giá chuyển hướng trong trường hợp có đường ray thứ ba.
Các toa tàu điện: Loại này, đôi khi sử dụng 2 ray dẫn được đặt trong khe ray và việc tiếp điện nhờ một thiết bị đặc biệt được biết đến dưới tên gọi là “cần tiếp điện”.
Đường tàu điện (Ảnh minh họa)
(B) Các ô tô ray, ví dụ, những phương tiện tự hành, di chuyển bằng chính nguồn năng lượng của nó và được trang bị một động cơ diesel, hoặc một động cơ đốt trong...
Một số ô tô ray được lắp bánh xe đặc, hoặc bánh hơi và một số khác là loại ray răng”...
Tham khảo nội dung chú giải chi tiết nhóm 86.04:
“Các phương tiện thuộc nhóm này, tự hành hay không tự hành, được thiết kế chủ yếu theo mục đích sử dụng; ví dụ, trong việc lắp đặt đường sắt, phục vụ và bảo dưỡng các nền và cấu trúc nằm dọc theo đường ray.
Nhóm này, bao gồm:
(1) Loại xe sửa chữa (workshop van) có trang bị dụng cụ, máy công cụ, máy phát điện, máy nâng (kích, palăng...), các thiết bị hàn, dây xích, cáp...
(2) Cần cẩu cứu hộ và các loại cần cẩu khác; đầu máy hoặc cần cẩu nâng toa; cần cẩu để nâng hoặc đặt đường ray; cần cẩu để xếp hoặc dỡ hàng hóa tại các nhà ga.
(3) Xe có tời kéo.
(4) Xe được gắn thiết bị đặc biệt để dọn hoặc chèn đá đường ray.
(5) Xe được gắn máy trộn bê tông sử dụng trên đường ray (đối với móng của cột treo cáp điện).
(6) Xe để kiểm định độ chịu tải của cầu.
(7) Các xe có giàn giáo để lắp đặt và bảo dưỡng đường cáp điện.
(8) Các xe phun diệt cỏ dại.
(9) Các phương tiện tự hành, dùng cho việc bảo dưỡng đường ray (ví dụ xe nắn đường ray, được trang bị một hay nhiều động cơ mà các phương tiện này không chỉ bảo đảm sự vận hành của máy lắp trên đó (thiết bị chỉnh đường ray, lót đá đường ray...) và đẩy các phương tiện trong khi công việc đang diễn ra, mà còn làm cho xe di chuyển một cách nhanh chóng trên đường ray, như loại tự hành, khi máy công cụ không hoạt động.
(10) Các xe thử nghiệm đường ray có gắn thiết bị đặc biệt như dụng cụ tự động kiểm tra sự vận hành của động cơ, phan (ví dụ, để đo lường tải trọng kéo, kiểm tra sự hư hỏng của đường ray, nền đường ray, cầu...); các xe kiểm tra đuờng ray ghi lại những điều bất thường của đường ray, trong khi di chuyển.
(11) Các xe goòng kiểm tra đường - loại có cơ cấu đẩy, kể cả xe đạp trên ray được trang bị động cơ, sử dụng bởi nhân viên đường sắt để bảo dưỡng đường ray. Các thiết bị này, thường có gắn động cơ đốt trong, loại tự hành và cho phép vận chuyển nhanh các nhân viên bảo dưỡng và vật liệu được chuyên chở, hoặc thu gom được dọc theo đường ray.
(12) Các xe goòng kiểm tra đường - loại không có cơ cấu đẩy, bao gồm xe đạp trên ray, được sử dụng bởi nhân viên kiểm tra đường ray (ví dụ, loại di chuyển bằng cách đẩy tay hoặc đạp chân)”...
Xe gắn cần cẩu (Ảnh minh họa)
Tham khảo chú giải chi tiết nhóm 86.06:
“Nhóm này, bao gồm các phương tiện dùng để chuyên chở hàng hoá trên các mạng đường sắt (của các loại đường ray). Nhóm này, cũng bao gồm các phương tiện nhỏ, hoặc toa chở hàng để vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, trong mỏ, trên các công trường xây dựng, trong nhà máy, kho hàng... Những phương tiện vừa nêu, thường khác với các toa tàu, toa chở hàng đich thực... ở chỗ chúng không thích hợp lắp với các lò xo giảm xóc.
Ngoài những toa tàu và toa hàng không mui thông thường (toa trần, toa tự đổ…) và các toa có mái che, nhóm này bao gồm các dạng chuyên dụng sau đây :
(1) Toa xe xitec và tương tự (ví dụ, toa bồn, toa thùng chứa).
(2) Các toa tàu và toa chở hàng được cách nhiệt hoặc được làm lạnh.
(3) Các toa tàu và toa chở hàng bốc dỡ tự động (toa tự đổ, toa có phễu tiếp nhận hàng...)
(4) Toa sàn rất thấp để vận chuyển thiết bị nặng.
(5) Toa chở gỗ cây.
(6) Các toa bồn có chất liệu gốm sứ…, các bồn dùng vận chuyển hóa chất.
(7) Toa chở ngựa.
(8) Toa 2 tầng (ví dụ, để chở ô tô).
(9) Toa trang bị đặc biệt để chở gia cầm sống, hoặc cá sống.
(10) Toa sàn để chở những toa khác.
(11) Các toa cho đường sắt khổ hẹp các loại.
(12) Xe goòng trong hầm mỏ.
(13) Các xe đẩy dùng cho vận chuyển đường ray, rầm...
(14) Toa hàng có gắn ray, để chuyên chở các rơ moóc đường ray.
(15) Toa xe và toa hàng được thiết kế đặc biệt để chuyên chở các sản phẩm phóng xạ ở mức độ cao.
Máy chèn đường (Ảnh minh họa)
Các rơ moóc đường sắt, được thiết kế để vận chuyển bởi các toa chở hàng gắn với đường ray dẫn hướng bị loại trừ (nhóm 87.16)”.
Việc phân loại hàng hóa - thực hiện theo 6 quy tắc, quy định tại Phụ lục II - ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 8/6/2022, của Bộ Tài chính.
Do Công ty Kho vận đá bạc – Vinacomin chỉ cung cấp tên hàng, thông số kỹ thuật của động cơ, không có hình ảnh và tài liệu kỹ thuật mô tả đặc điểm của hàng hóa như chức năng, cấu tạo, cơ chế hoạt động, công dụng theo thiết kế…; vì thế, Tổng cục Hải quan không có đủ cơ sở để xác định mã số chính xác của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Đề nghị Công ty Kho vận đá bạc – Vinacomin đối chiếu hàng hóa thực tế với quy định nêu trên để xác định.
Thủy Hương (Nguồn: https://www.mof.gov.vn/)