Theo đó, quán quân trong bảng xếp hạng PCI 2017 là Quảng Ninh, một tỉnh liên tục đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước kể từ năm 2013. Trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã tập trung cải cách hành chính qua việc vận hành mô hình Trung tâm Hành chính công cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua việc Quảng Ninh đứng đầu chỉ số thành phần Gia nhập thị trường trong bảng xếp hạng PCI 2017.
Top 20 tỉnh đứng đầu Bảng xếp hạng PCI 2017
Bên cạnh đó, với việc xếp hạng cao trong các chỉ số như chỉ số thành phần chi phí thời gian, chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Quảng Ninh nhận được những đánh giá tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
“Vận hành hiệu quả mô hình Trung tâm Hành chính công và thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, từ đó rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp là lý do Nhóm nghiên cứu PCI phân tích ngôi sao mới.
Cụ thể, Quảng Ninh đứng đầu chỉ số thành phần Gia nhập thị trường trong PCI 2017. Chỉ 6% doanh nghiệp phải chờ đợi trên 1 tháng cho việc có đủ các giấy phép cần thiết để chính thức đi vào hoạt động. Trên 80% doanh nghiệp đánh giá thủ tục niêm yết công khai, cán bộ am hiểu chuyên môn, hướng dẫn rõ ràng, có thái độ thân thiện trong giải quyết đăng ký mới hay thay đổi thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
75% doanh nghiệp đánh giá cán bộ giải quyết công việc hiệu quả, có thái độ thân thiện là 70%. 76% doanh nghiệp nhận thấy thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định.
Đặc biệt, việc triển khai xây dựng và công bố thường niên Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện và thành phố (DDCI) từ năm 2015 của Quảng Ninh được các chuyên gia PCI đánh giá cao.
Công cụ DDCI cho phép tỉnh giám sát hiệu quả và nâng cao được trách nhiệm giải trình của các lãnh đạo các sở ngành, huyện thị đối với hoạt động của các đơn vị mà họ phụ trách.
Những lợi ích của việc triển khai DDCI có thể xác định được qua kết quả điều tra PCI. Cụ thể, nếu như năm 2014 tại Quảng Ninh có 80% doanh nghiệp nhận định “có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các Sở, ngành”, thì tỷ lệ này của năm 2017 chỉ là 64% (thấp thứ 2 trên cả nước).
Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2017 là Đà Nẵng, nơi các doanh nghiệp dân doanh tiếp tục đánh giá tương đối tích cực về việc giải quyết thủ tục hành chính với điểm số trên 70. Tuy nhiên mức độ cải thiện trung bình của thành phố này từ năm 2006 đến 2017, được đo lường qua bộ chỉ số PCI lại nằm trong nhóm cuối trên cả nước.
Trong hệ thống chỉ số thành phần của Đà Nẵng năm 2017, chỉ số môi trường cạnh tranh bình đẳng có điểm số thấp nhất và có xu hướng sụt giảm qua các năm.
Là nơi khởi nguồn của mô hình “Café doanh nhân” đang được áp dụng rộng rãi hiện nay tại nhiều tỉnh, thành phố, Đồng Tháp tiếp tục nắm giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI 2017. Với kết quả này, Đồng Tháp lập kỷ lục 10 năm liên tiếp nằm trong Top 5 bảng xếp hạng PCI.
Riêng trong PCI 2017, Đồng Tháp ghi dấu ấn của mình với vị trí đứng đầu một loạt chỉ số thành phần như tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch và chi phí thời gian.
Long An trở lại Top 5 trong bảng xếp hạng PCI cả nước sau lần đầu tiên vào năm 2011, với điểm số dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố trong hai chỉ số thành phần: Tính năng động, tiên phong của chính quyền và thiết chế pháp lý.
Bến Tre lần đầu tiên bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu PCI, với những cải thiện rõ rệt trong các chỉ số thành phần tính năng động tiên phong của chính quyền và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Năm địa phương tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh thành phố đứng đầu PCI năm 2017 là Vĩnh Long, Quảng Nam, TP. HCM, Hải Phòng và Cần Thơ.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng môi trường kinh doanh theo PCI, vẫn còn những điểm tối mà chúng ta chưa thể hài lòng. Cụ thể, tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...
Đặc biệt, năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% doanh nghiệp cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức.
Doanh nghiệp cũng đang lo lắng hơn về những phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương cũng là mối quan ngại cho nhiều doanh nghiệp.
Mặc dù điểm số PCI trung vị có được cải thiện, nhưng đang có sự chững lại của các ngôi sao cải cách trong nhóm tiên phong với điểm số chỉ quẩn quanh ở mức 70/100, cho thấy cải cách cần có thêm những động lực mới, mà việc tiếp tục cải cách thể chế với khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính ở cấp các bộ ngành Trung ương cần được đẩy mạnh để có thể nâng trần thể chế, tọa thêm dự địa cho cải cách ở cấp địa phương và cơ sở.
Ông Lộc cho rằng theo hướng này, chúng ta kỳ vọng yêu cầu cải cách cắt giảm bắt buộc tối thiểu 30 - 50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018 của tất cả các bộ ngành theo Nghị quyết của Chính phủ sẽ là một giải pháp quan trọng.
Bên cạnh đó, ông Lộc cũng nhấn mạnh, một trong những thách thức quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là năng lực còn hạn chế của các doanh nghiệp tư nhân trong việc cải thiện năng suất và mở rộng quy mô để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Tại Việt Nam, dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng nhưng khu doanh nghiệp tư nhân lại đang nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động. Hội chứng thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa “Missing the Middle” đã không được khắc phục. Sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp ngang tầm thế giới”, Chủ tịch VCCI nhìn nhận.
Báo cáo PCI 2017 cũng chỉ ra rằng Việt Nam có chất lượng quản trị doanh nghiệp còn thấp so với các chuẩn mực quốc tế và so với chính các FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Do đó, ông Lộc cho rằng quốc tế hóa doanh nghiệp tư nhân, nâng cấp chất lượng quản trị của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam là một hướng đi cấp thiết để doanh nghiệp Việt có thể tham gia vòa chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp Việt Nam có thể thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
Bảng công bố cho thấy, các chỉ số năm nay được đánh giá có nhiều khởi sắc. Điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay, gần như tất cả tỉnh đều tăng điểm số, phản ánh rõ ràng môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có những cải thiện rất ấn tượng.
Ở cấp quốc gia, những chỉ số phản ánh về chi phí không chính thức và thủ tục hành chính đã được cải thiện, phản ánh những kết quả tích cực trong nỗ lực phòng chống tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện.
Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy: 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây.
Khánh Yên