Qua các thống kê sơ bộ, WHO cho rằng xu hướng các trường hợp mắc sởi gia tăng đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu và các nước giàu có, nơi tỷ lệ tiêm vắcxin thường cao, cũng không phải ngoại lệ. Điều đáng nói hơn, tại một số quốc gia đang nổi lên phong trào gọi là “nói không với vaccine” do những đồn đoán lan mạnh trên mạng xã hội rằng, tiêm vaccine ngăn ngừa sởi có thể mắc bệnh tự kỷ.
Theo bà Katrina Kretsinger, người đứng đầu chương trình tiêm chủng mở rộng của WHO cho biết, năm 2016, số ca mắc bệnh sởi có xu hướng tăng nhẹ, song đến năm 2017 thì đã tăng vọt. Bà chỉ rõ các đợt bùng phát dịch sởi tập trung chủ yếu tại Ukraine, Madagascar, Cộng hòa dân chủ Congo, Chad và Sierra Leone. Chỉ tính riêng tại Madagascar, từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2019, tổng cộng đã có gần 67.000 ca mắc bệnh sởi và hơn 920 trường hợp tử vong.
(Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia WHO, có nhiều đợt bùng phát dịch sởi kéo dài, diễn ra trên quy mô lớn và có nguy cơ lây lan nhanh, song chỉ chưa tới 10% số ca mắc sởi hiện nay được ghi nhận. Tuy nhiên, với tỷ lệ các ca mắc sởi tăng 50%, thì rõ ràng nỗ lực ngăn chặn căn bệnh này đang bị chệch hướng và số ca mắc bệnh trên thực tế phải lên tới hàng triệu người.
Sởi là bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát-sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Bệnh dễ lây nhiễm qua tiếp xúc nước mũi, nước bọt người bệnh. Bệnh sởi có thể gây mất thính lực, rối loạn chức năng não ở trẻ em và thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh.
Hằng Vương (t/h)