Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cơ sở để các chuyên gia của tổ chức này đưa ra con số dự báo lạc quan trên là nhờ sự gia tăng trở lại của các hoạt động thương mại trên thế giới trong năm 2021 sau một năm đình trệ nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, đặc biệt rơi xuống mức thấp tồi tệ trong quý II/2020. Tuy nhiên, cơ quan có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) này vẫn cảnh báo nguy cơ đà phục hồi của thương mại toàn cầu chững lại do chịu tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 và các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.
Dự báo tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu năm 2021 được dự báo sẽ là 8,7% ở Bắc Mỹ, 7,2% ở Nam Mỹ, 9,7% ở châu Âu, 0,6% ở SNG, 7,0% ở châu Phi, 5,0% ở Trung Đông và 14,4% đối với châu Á. Kim ngạch nhập khẩu trong năm nay dự kiến tăng 12,6% ở Bắc Mỹ, 19,9% ở Nam Mỹ, 9,1% ở châu Âu, 13,1% ở CIS, 11,3% ở châu Phi, 9,3% ở Trung Đông và 10,7% ở châu Á. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của các nước kém phát triển ước tính sẽ tăng lần lượt là 5,3% và 5,5% vào năm 2021.
Các chuyên gia của WTO cho rằng, các vấn đề từ phía cung ứng như khan hiếm chất bán dẫn và hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển có thể làm căng thẳng chuỗi cung ứng, nhưng không có khả năng tác động lớn đến đà phục hồi nói chung của kinh tế toàn cầu. Theo họ, rủi ro lớn nhất đe dọa sự phục hồi của thương mại vẫn chính là đại dịch COVID-19.
WTO cho rằng kim ngạch thương mại thế giới trong năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng 4,7%, tức tăng 0,7% so với dự báo trước đó với mọi hoạt động thương mại sẽ dần quay trở lại mức vào thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thương mại toàn cầu trong năm 2020 đã giảm 5,3%. Ở thời điểm hiện tại, mặc dù các hoạt động kinh tế ở nhiều nước đã được khôi phục khi các nước đã gỡ bỏ các biện pháp hạn chế để phòng dịch, tuy nhiên mức độ phục hồi chưa thể đạt được mức trước khi dịch bệnh bùng phát do gặp nhiều thách thức liên quan đến nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng,...
Hà Trần