THCL - Năm 2009, UBND xã Xuân Thịnh (Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã huy động sức dân đối ứng nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện xây dựng đường giao thông nội đồng và kiên cố hóa kênh mương. Tuy nhiên, sau khi công trình nghiệm thu, người dân đã phát hiện nhiều khuất tất cần được làm sáng tỏ.
Bài 1: Lập hợp đồng “ma” để trục lợi?
Cùng một dự án thi công nhưng lại tồn tại nhiều bản hợp đồng xây dựng với mức giá nhận thầu chênh lệch gấp nhiều lần. Bản hợp đồng với giá nhận thầu cao, được lãnh đạo xã sử dụng làm cơ sở để thông báo quyết toán (?!).
Đơn thư phản ánh của ông Lê Hữu Vi gửi Thương hiệu và Công luận
Theo người dân thì đó chỉ là bản hợp đồng “ma” được lập lên nhằm mục đích trục lợi. Trong khi những bản hợp đồng giá thấp bị “yểm đi”.
Theo tìm hiểu thì từ năm 2009, xã Xuân Thịnh đã huy động sức dân để xây dựng đường giao thông nội đồng và kênh mương theo tiêu chí nông thôn mới và để phục vụ “vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao”. Sau khi thống nhất chủ trương, UBND xã triển khai thu của người dân theo đầu sào (ruộng) thành 2 đợt chính.
Cụ thể, 2 lần huy động đóng góp của nhân dân với số tiền 333.500 đồng/sào (đợt 1 thu 183.500 đồng/sào, đợt 2 thu 150.000 đồng/sào). Tổng số tiền thu được trong 2 đợt là hơn 1,7 tỷ đồng, chưa kể tiền hỗ trợ của tỉnh, huyện. Với số tiền trên, đơn vị thi công kiên cố hóa được gần 4,3 km đường nội đồng, quy thành gần 1.600 m3 bê tông và hơn 3 km kênh mương.
Sau khi hoàn thành dự án, thay vì phấn khởi, người dân Xuân Thịnh lại hết sức bức xúc trước những việc làm “khuất tất” của lãnh đạo xã, khi họ phát hiện tồn tại cùng lúc nhiều hợp đồng xây dựng công trình có mức thanh toán chênh lệch lên tới hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Lê Hữu Vi, thôn 4 - người làm đơn tố cáo những khuất tất trong vấn đề này cho biết, trong quá trình thi công đợt 1 (cuối năm 2010), Chủ tịch UBND xã lúc đó là ông Trương Song Toàn (chủ đầu tư) đã ký hợp đồng với đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng Mạnh Dũng. Lạ thay, người dân chẳng ai biết, chẳng ai chứng kiến người của công ty này có mặt trong quá trình xây dựng hay có người giám sát công trình (nếu thuê đơn vị khác thi công)!
Ông Vi khẳng định, Công ty CP Xây dựng Mạnh Dũng chỉ là đơn vị thi công trường tiểu học cho xã, chứ không liên quan đến xây dựng đường giao thông nội đồng.
Theo ông Vi, hợp đồng xây dựng đường nội đồng với công ty này chỉ là hợp đồng “ma” để hợp thức hóa, nâng giá công trình, thu chênh lệch bất chính mà thôi.
Trên thực tế, việc thi công công trình được ông Toàn giao cho một số “thợ vườn” tại địa phương như ông Lê Đức Mạnh (người thôn 5 cùng xã) thông qua một “hợp đồng giao thầu” số 64, được ký ngày 10/12/2010. Như vậy, ngay trên cùng một công trình, với phần thi công như nhau, ông Toàn đã ký cùng lúc 2 bản hợp đồng xây dựng với 2 đơn vị thi công khác nhau.
Theo bản hợp đồng ký với ông Lê Đức Mạnh thì chỉ có giá thi công là 650.000 đồng/m3 bê tông; trong khi hợp đồng “ma” ký với Công ty CP Xây dựng Mạnh Dũng (cũng là mức xã thông báo quyết toán và công khai trước người dân) được đẩy lên 864.928 đồng/m3 (cao hơn gần 215.000 đồng/m3). Nếu nhân với số khối bê tông do ông Mạnh thi công (hơn 982 m3), tổng số tiền chênh lệch “đội giá” hơn 200 triệu đồng!
Tương tự, một số đoạn đường sau đó ông Toàn tiếp tục ký hợp đồng số 26/2011/HĐ-XD ngày 12/12/2011 với ông Lê Hữu Sáng là Trưởng thôn 4. Với hợp đồng của ông Sáng, số tiền khoán thi công hơn 183 m3 bê tông là 730.000 đồng/m3, nhưng khi quyết toán xã thông báo với nhân dân mức 865.000 đồng/m3 (tăng so với hợp đồng khoán gần 135.000 đồng).
Tiếp tục áp dụng cách làm trên, lần thi công đường nội đồng đợt 2, ông Trương Song Toàn ký hợp đồng với Công ty TNHH và Thương mại Việt Đức. Tuy nhiên, bản hợp đồng trên đến nay vẫn chưa được công bố, mặc dù người dân trong xã đã nhiều lần yêu cầu thông qua các cuộc họp và tiếp xúc cử tri.
Ông Lê Hữu Vi khẳng định, tại thời điểm thi công đợt 2, giá bê tông ở địa phương không quá 730.000 đồng/m3, nhưng xã đã thông báo với người dân khoán mức 1.293.000 đồng/m3 (cao hơn 563.000 đồng/m3).
Việc tồn tại cùng một lúc nhiều bản hợp đồng trong thi công giai đoạn 1 với mức giá chênh lệch nhau và việc không công khai bản hợp đồng ký trong giai đoạn 2, mà chỉ thông báo số tiền quyết toán, tất cả những việc làm trên có phải đều nhằm mục đích che đậy những khuất tuất của cán bộ địa phương? Đó là những thắc mắc mà người dân đặt ra - cần lời giải đáp của phía cơ quan chức năng.
Nguyễn Thuấn