LTS: Ban Thường vụ tỉnh Quảng Ninh đã xác định mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã được tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị từ nhiều năm trước. Trong 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh Quảng Ninh cũng đã xây dựng các điều kiện để đảm bảo thực hiện mục tiêu này. Do đó, đây là tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đồng thời là kết quả ý chí, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Hoàn thành chương trình phát triển đô thị

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã nói: Mục tiêu cao nhất, bao trùm của Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030 là phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, là trung tâm phát triển của miền Bắc, trụ cột quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, với hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giàu bản sắc văn hóa, bảo tồn và gìn giữ, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Di sản văn hóa trúc lâm Yên Tử; đi đầu cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

Phát triển đô thị theo hướng nhanh, bền vững là tiền đề quan trọng trong phát triển đô thị văn minh.
Phát triển đô thị theo hướng nhanh, bền vững là tiền đề quan trọng trong phát triển đô thị văn minh.

Vì vậy, để sớm hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến hoàn thành Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030. Mục tiêu của Chương trình là tập trung phát triển hệ thống các đô thị theo hướng nhanh, bền vững, là tiền đề quan trọng trong phát triển đô thị thông minh, nền kinh tế xanh dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; từng bước xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh Quảng Ninh phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, là động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước, phát huy vai trò hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, đáp ứng mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào trước năm 2030, với dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng sống đô thị thông qua việc tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đô thị, kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ, từng bước hiện đại và bền vững.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Xác định động lực phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh những năm tới chính là hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, trong điểm là tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái; đường kết nối ven biển, ven sông Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều; đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả; công trình động lực của TP Hạ Long mới; hạ tầng động lực trong KKT Vân Đồn, KKT Cửa khẩu Móng Cái, KKT Quảng Yên.

Sau tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tiếp tục được hoàn thiện vào năm 2021. Với tuyến cao tốc này, các trung tâm kinh tế, du lịch lớn nhất phía Bắc từ thủ đô Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn đến vùng đất biên giới Móng Cái được kết nối đồng bộ bằng hệ thống cao tốc, Giảm thời gian di chuyển từ 6h trước đây xuống chỉ còn 3h; mở ra những cơ hội phát triển, thu hút đầu tư cho cả khu vực, đặc biệt là với KKT cửa khẩu Móng Cái; phát huy vai trò của cửa ngõ giao thương giữa ASEAN với Trung Quốc cũng như với thị trường Đông Bắc Á; điểm nối cuối cùng trên tuyến giao thương đặc biệt quan trọng này đã được khai thông với việc đầu tư xây dựng và thông quan cầu Bắc Luân 2 từ ngày 19/3/2019.

Phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng miền là nhiệm vụ trọng tâm.
Phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng miền là nhiệm vụ trọng tâm.

Cùng với hệ thống đường cao tốc, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thu hút được các dự án hạ tầng giao thông đường không, đường thủy tầm cỡ quốc tế do tư nhân đầu tư. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cảng tàu khách du lịch chuyên biệt duy nhất, hiện đại nhất cả nước, có khả năng đón những con tàu du lịch lớn nhất thế giới hiện nay. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay mới hàng đầu thế giới 2019. Quảng Ninh đã tiến gần hơn với thế giới, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi giao thương khu vực và thế giới. Bằng nguồn lực của mình, năm 2020, Quảng Ninh sẽ khởi công tuyến đường tốc độ cao 10 làn xe ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi qua Quảng Yên - Uông Bí đến Đông Triều... rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Hạ Long đến Đông Triều từ 1,5 giờ trước đây xuống còn 30 phút.

Quảng Ninh và TP Hải Phòng cũng sắp hoàn thành xây dựng cầu Rừng, cầu Lại Xuân để kết nối giữa hai địa phương. Sử dụng vốn ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng xong cầu Triều, cầu Văn Đức nối Quảng Ninh với Hải Dương.

Quảng Ninh đã gỡ được nút thắt về hạ tầng giao thông trong suốt quá trình phát triển từ khi thành lập tỉnh đến nay với sự kết nối giữa các địa phương trong tỉnh bằng hệ thống đường cao tốc, đường tốc độ cao đồng bộ nhất cả nước; kết nối khu vực phía tây của tỉnh với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Qua đó, Quảng Ninh sẽ khơi thức được các tiềm năng rất lớn về đất đai, tài nguyên du lịch ở khu vực này, tận dụng được các hạ tầng logistic cảng biển của TP Hải Phòng trong tổng thể liên kết vùng để phát triển, xác lập và khẳng định vị thế mới, giá trị mới trong tương quan quốc gia và quốc tế.

Với một Quảng Ninh giàu tiềm lực, có nền tảng hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ mạnh như hiện nay thì không có gì cản trở việc hoàn thiện các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2030.

Với thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc, cùng với hệ giá trị con người Quảng Ninh… tất cả hướng đến mục tiêu mang lại hạnh phúc cho nhân dân và vì sự phát triển bền vững của tỉnh. Đây tiếp tục là hành trang để Quảng Ninh tiến gần hơn mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, năng động, trung tâm du lịch quốc tế…

TrầnTrang