THCL Chiến lược xây dựng thương hiệu đã hoàn toàn thay đổi để phù hợp với bối cảnh hội nhập. DN Việt cần tạo dựng cho mình chiến lược bài bản, với tầm nhìn dài hạn và tận dụng tối đa ưu thế của phương thức truyền thông mới để vẽ lên "bức tranh” thương hiệu tươi sáng hơn.

Bỏ qua tư duy cũ

Chiến lược xây dựng thương hiệu trong thế kỷ XXI đã hoàn toàn khác so với 50 năm trước. Nếu như trước đây, các DN chỉ việc "vẽ chiến lược trong phòng kính” và đổ ngân sách vào truyền thông để nói "tôi ở đây, tôi rất tốt” là đã có thể chiếm lĩnh thị trường; thì ngày nay, câu chuyện thương hiệu đã xoay chuyển 360 độ, hướng đến khách hàng, công chúng và những giá trị nhân bản.

Với sự bùng nổ mạnh mẽ của nhu cầu sử dụng Internet, mạng xã hội đang ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống thông tin của con người. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là khi nguồn thông tin không hoàn hảo, rất có thể khiến uy tín, thương hiệu của DN trước công chúng bị bóp méo và sai lệch, đặc biệt khi tốc độ lan truyền thông tin là rất lớn.

Ngày nay, không ai có thể phủ nhận tác động tích cực của Internet và nền tảng truyền thông xã hội tới đời sống nói chung và các hoạt động kinh doanh nói riêng. Ở Việt Nam, trong khoảng 3 - 4 năm gần đây, rất nhiều DNNVV, siêu nhỏ đã tận dụng tích cực cơ hội này và đạt được thành công. Một vài thương hiệu lớn cũng đã bắt đầu quan tâm tới truyền thông xã hội như là một kênh truyền thông chính thống để xây dựng mối quan hệ với khách hàng và công chúng.

Nếu như trước đây, hoạt động truyền thông của DN chỉ diễn ra 1 chiều (quảng cáo, quảng bá qua các kênh Mass media như truyền hình, báo chí) hoặc 2 chiều qua các hoạt động trade marketing, sự kiện… thì ngày nay, sự bùng nổ của truyền thông xã hội khiến luồng thông tin trở thành một hoạt động truyền thông đa chiều, phức hợp. Mỗi cá nhân đều có thể trở thành một nhà báo, một nhà truyền thông bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ nơi nào.

Chính vì lý do này, hoạt động truyền thông của DN trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn gấp nhiều lần so với 3 - 5 năm về trước. Có những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ, không ảnh hưởng nhiều tới kết quả sản xuất, kinh doanh của DN, nhưng vì "cái loa sóng cộng hưởng” của mạng xã hội, câu chuyện trở thành khủng hoảng nghiêm trọng. Một con ruồi có thể làm sụp đổ cả một cơ nghiệp không còn chỉ là câu chuyện đùa.

Bắt đầu từ tầm nhìn

Một cách cụ thể, chiến lược thương hiệu là cả một quá trình dài, bền bỉ, tập trung, kiên định và có văn hóa. Chiến lược này bắt đầu từ tầm nhìn của thương hiệu và tập trung vào các giải pháp khác biệt hóa để có thể tạo nên một hình ảnh định vị có bản sắc, lôi cuốn, nhiều cảm xúc, có giá trị… nằm trong liên tưởng của khách hàng mục tiêu.

Để trở thành một thương hiệu gây ảnh hưởng, đòi hỏi sự nỗ lực và toàn tâm của người "cầm lái” DN đối với khách hàng và công chúng của mình. Không chỉ lo chạy quảng cáo để giới thiệu về sản phẩm và dịch vụ, các thương hiệu cần thể hiện bản sắc, tham gia vào cộng đồng xã hội với tư cách một con người có văn hóa, theo đuổi các triết lý nhân văn, cao cả, xây dựng và thực thi các hoạt động hữu ích với cộng đồng và kinh doanh minh bạch.

Lâu nay, DN quen với cách kinh doanh thiếu bài bản, không có tầm nhìn dài hạn; không xây dựng nhóm khách hàng trung thành và yêu mến thương hiệu mà mới chỉ tập trung truyền thông để bán hàng. Một khi người tiêu dùng được mở rộng cơ hội tiếp cận với rất nhiều nhóm hàng hóa chất lượng cao; giá cả hợp lý, quy trình kinh doanh chuyên nghiệp… cộng thêm tâm lý sính ngoại vốn có, rất có khả năng người tiêu dùng Việt Nam sẽ quay lưng với DN Việt.

Tuy nhiên, không có bức tranh nào toàn màu xám. Những thương hiệu nhiều năm qua đã vun trồng, chăm sóc cho "tài sản thương hiệu”; tập trung đào tạo nhân sự, gia tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, dịch vụ sẽ có nhiều cơ hội bứt phá.

Thương hiệu mạnh là thương hiệu khiến người tiêu dùng chấp nhận trả cao hơn ít nhất 20% số tiền so với hàng cùng chủng loại để được mua ngay cả khi chưa có nhu cầu. Câu chuyện thành công của các thương hiệu quốc tế, chúng ta có thể gặp ở khắp nơi. Các thương hiệu Việt thành công cũng không ít. Đơn cử một ví dụ rất nhỏ, trong ngành thực phẩm, nhiều bà nội trợ đã thay đổi thói quen mua sắm thực phẩm ở chợ bằng mua hàng siêu thị và các cửa hàng thực phẩm sạch, chính vì sự tin cậy được tạo nên từ sự nỗ lực không ngừng của nhiều DN Việt.

Đặng Thanh Vân