Sáng 4/1/2025, tại TP. HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết 259 của Chính phủ ngày 31/12/2024 ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại TP. HCM.

Thủ tướng yêu cầu TPHCM và Đà Nẵng khẩn trương rà soát, đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đồng tình, ủng hộ, sát cánh cùng TPHCM và Đà Nẵng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu TPHCM và Đà Nẵng khẩn trương rà soát, đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đồng tình, ủng hộ, sát cánh cùng TPHCM và Đà Nẵng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Văn Nên, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương; đại diện doanh nghiệp, hiệp hội kinh tế, các cơ quan ngoại giao, tổ chức kinh tế, hiệp hội, nhà đầu tư, chuyên gia quốc tế.

Được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo về Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.

Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu về sự chuẩn bị của hai thành phố để phát triển trung tâm tài chính, các giải pháp triển khai kế hoạch hành động và quyết định thành lập ban chỉ đạo của các thành phố về trung tâm tài chính.

Đông đảo đại biểu quốc tế dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đông đảo đại biểu quốc tế dự hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Tiếp đó, lãnh đạo Bộ Tài chính trình bày đề xuất giải pháp phát triển thị trường vốn tại trung tâm tài chính, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trình bày về phát triển lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong trung tâm tài chính, lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày về phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp cho trung tâm tài chính, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày về phát triển hạ tầng số cho trung tâm tài chính.

Bà Alexandra Smith, Tổng Lãnh sự Anh tại TP. HCM và ông Rich McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) tại Việt Nam cũng chia sẻ về Trung tâm Tài chính London (Anh) và các hoạt động hợp tác để góp phần phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP. HCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.

Từ năm 2030 đến năm 2035, tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Lộ trình khung này mang tính chất định hướng; quá trình thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhanh nhất có thể, nếu thời cơ thuận lợi, điều kiện đã chín muồi, thì có thể làm ngay, nhanh hơn các bước tiếp theo, không chờ theo thứ tự.

Về áp dụng các chính sách xây dựng trung tâm tài chính và lộ trình triển khai, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương từ nay đến năm 2030, ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay. Đồng thời thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kế hoạch hành động của Chính phủ đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 bộ, ngành, và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Các giải pháp, nhiệm vụ này tập trung vào 5 trọng tâm, gồm:

- Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thúc đẩy xây dựng hệ thống thanh toán, lưu ký và giao dịch tài chính hàng đầu.

Ông Rich McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) tại Việt Nam chia sẻ về Trung tâm Tài chính London (Anh) và các hoạt động hợp tác để góp phần phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông Rich McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) tại Việt Nam chia sẻ về Trung tâm Tài chính London (Anh) và các hoạt động hợp tác để góp phần phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

- Thu hút nhân tài quốc tế, tạo cơ chế đãi ngộ, môi trường sống và làm việc hấp dẫn để thu hút các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới.

- Thúc đẩy đổi mới tài chính, phát triển các công cụ tài chính mới, như tài chính xanh, công nghệ tài chính (fintech), và quản lý rủi ro tài chính.

- Mở rộng hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức tài chính toàn cầu, tham gia các chuẩn mực tài chính quốc tế.

- Bảo vệ an ninh tài chính, tăng cường giám sát và quản lý rủi ro, đảm bảo ổn định hệ thống tài chính.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự tham dự đông đảo của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu, các chia sẻ, đề xuất và cam kết cụ thể đều thể hiện quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ, chung sức đồng lòng với việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, vượt qua những năm tháng bị chiến tranh tàn phá, bao vây, cấm vận, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý lịch sử. Đây là những điểm tựa rất quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Năm 2024, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi rất tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm 2024 đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực và tốt hơn năm 2023: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư cao, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn giới hạn quy định.

Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới với mức tăng trưởng GDP cả năm khoảng trên 7%. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, tăng cường. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Bà Alexandra Smith, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TPHCM chia sẻ về Trung tâm Tài chính London và các hoạt động hợp tác để góp phần phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bà Alexandra Smith, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TP. HCM chia sẻ về Trung tâm Tài chính London và các hoạt động hợp tác để góp phần phát triển Trung tâm Tài chính tại Việt Nam. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Văn hóa, xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm; kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội được triển khai tích cực, quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2024 tăng 11 bậc.

Việt Nam đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính quốc tế chưa?

Trả lời câu hỏi "Việt Nam đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính quốc tế chưa", Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang có đủ 5 yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.

Thứ nhất, tổng quy mô GDP năm 2024 khoảng 470 tỷ USD, quy mô nền kinh tế xếp hạng 33-34 thế giới, bình quân GDP đầu người khoảng 4.600 -4.700 USD; với tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua, đồng thời kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, phấn đấu đạt mức 2 con số trong những năm tới.

Thứ hai, đột phá chiến lược đang đạt được những thành quả rất tích cực theo hướng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Thứ ba, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023, tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt 2 con số, cao nhất khu vực.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính là công việc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người trên cương vị của mình với tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính là công việc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người trên cương vị của mình với tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Thứ tư, Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 FTA với trên 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới; quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, gấp khoảng 1,7 lần GDP.

Thứ năm, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống thanh bình, có môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

Ngoài ra, Việt Nam có vị trí chiến lược, vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới, có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu.

Thủ tướng đánh giá, việc sớm phát triển trung tâm tài chính và khu vực và quốc tế có 5 ý nghĩa, tác động tích cực: Giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.

Việc xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan trong giai đoạn phát triển mới, giai đoạn vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc, Thủ tướng khẳng định.

Ảnh internet.
Xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội. Ảnh internet.

Đây là việc mới, việc khó nhưng khó mấy cũng phải làm, Thủ tướng cho rằng cần tham khảo học tập kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam hóa các tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực này; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng hiện đại; nâng cao công nghệ, năng lực quản lý, quản trị thông minh; phát huy sự đồng lòng, chung sức của các cơ quan, người dân, doanh nghiệp.

Kế hoạch hành động của Chính phủ đã giao các nhiệm vụ rất cụ thể, để Chính phủ nhanh chóng trình Quốc hội các cơ chế, chính sách vào kỳ họp sắp tới, Thủ tướng yêu cầu TP. HCM và Đà Nẵng khẩn trương rà soát, đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đồng tình, ủng hộ, sát cánh cùng TP. HCM và Đà Nẵng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính.

Đối với các đối tác trong nước và quốc tế, Thủ tướng đề nghị tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển trung tâm tài chính; đề xuất, tham vấn chính sách dựa trên kinh nghiệm của các trung tâm tài chính quốc tế đã được thành lập trên thế giới; hỗ trợ thu hút nguồn lực, kết nối các nhà đầu tư lớn, tiềm năng để tham gia vào Trung tâm Tài chính tại Việt Nam.

Trung tâm Tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

PV/chinhphu.vn