Hai bên, khả năng cao sẽ tập trung vào nội dung làm sao để giúp Việt Nam tăng khả năng sản xuất các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản xuất chip cũng như chất bán dẫn.
Hoa Kỳ cũng mong muốn, hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng và giúp kinh tế Việt Nam hội nhập hơn với kinh tế thế giới bằng các gợi ý về cải cách thủ tục quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa.
Theo đó, chính phủ Hoa Kỳ mong muốn mở rộng thị trường ở Việt Nam, đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng khó đoán hơn.
Về kỳ vọng, ông Khang cho rằng dù khác biệt về hệ thống chính trị, song Việt Nam và Hoa Kỳ “có nhiều điểm chung về lợi ích an ninh và kinh tế”.
Một cột mốc mới trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam “chính là lời khẳng định của Hoa Kỳ rằng, nước này tôn trọng chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, không chỉ trong hiện tại, mà còn trong tương lai bất kể tổng thống sắp tới thuộc Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ”.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ nhận định rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Joe Biden, sẽ tạo một đà mới, động lực cho những đột phá trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong những chặng đường đầy hứa hẹn phía trước.
Dù nằm ở hai đầu quả địa cầu nhưng hai bên rất cần nhau, ở cả câu chuyện về kinh tế. Điều này được thể hiện rất rõ qua chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen. Thương mại hai nước liên tục tăng trong 10 năm qua, với mức tăng trung bình mỗi năm từ 17%-19%, kim ngạch thương mại tăng từ 35 tỷ USD lên 123 tỷ USD (tăng gấp bốn lần), qua đó cho thấy hai bên rất cần nhau. Hoa Kỳ cũng cho rằng Việt Nam nằm trong cùng một chuỗi cung ứng với những mắt xích đan xen, hai bên cũng có lợi.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm nay, hai bên đã có nhiều cuộc trao đổi ở các cấp, trong đó đáng chú ý nhất là cái cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Joe Biden (tháng Ba). Trong cuộc điện đàm này đã có những nội dung rất quan trọng như: Đánh giá quan hệ hai nước trong thời gian vừa qua đã phát triển tích rất tích cực; phát triển quan hệ là phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước; hai bên khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ song phương và đưa quan hệ này lên một tầm cao mới.
Trong khi đó, nhà báo Rudroneel Ghosh (Times of India, Ấn Độ) nhận định rằng người Việt Nam đã “gác lại những gánh nặng từ quá khứ, để hướng tới tương lai tươi sáng hơn”. Tại đây, trong một thập kỷ qua, Hoa Kỳ đã “hỗ trợ Việt Nam xây dựng kinh tế và quản trị hiệu quả qua chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn”.
Đồng thời, nhà báo Rudroneel Ghosh nhận định chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp nối thành quả của những người tiền nhiệm, trong đó có ông Barack Obama, người đã góp phần đưa quan hệ song phương lên mức Đối tác toàn diện.
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ông cho rằng Việt Nam đang thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, đồng thời tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại các thị trường quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ.
Ngoài ra, nhà báo Rudroneel Ghosh cũng nhận định Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều không gian để hợp tác nhằm thúc đẩy một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Theo ông, thông qua bốn trụ cột bao gồm phản đối các hành động đơn phương, thúc đẩy hợp tác kinh tế cân bằng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, giảm thiểu phụ thuộc kinh tế và giải quyết tranh chấp trên cơ sở các biện pháp hòa bình, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có thể trở thành mối quan hệ đối tác “kiểu mẫu” hiện nay.
Thiên Trường