THCL Không ít vụ đại án kinh tế của ngành ngân hàng đã được các cơ quan chức năng vạch trần. Việc lạm dụng chức quyền cùng với lợi dụng kẻ hở của pháp luật của các tổ chức, cá nhân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các tổ chức tín dụng với giá trị lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng đang gây chấn động dư luận.

Xảy ra nhiều “đại án” trong ngành ngân hàng: Siết quản lý, bịt kẽ hở - Hình 1

Cần “siết” tiêu chuẩn làm lãnh đạo ngân hàng (Ảnh minh họa)

Điểm lại những... “đại án” .

Vào thời điểm năm 2012 một trong những vụ đại án gây chấn động tại xảy ra tại ngân hàng ACB. Tại thời điểm đó thị trường tài chính rung động với vụ án Bầu Kiên và những người có liên quan đến ACB.

Mặc dù những đối tượng làm sai đã phải trả giá, nhưng không khỏi sót xa khi cả một dàn lãnh đạo cao cấp với những người từng trải với nhiều thành tích được vinh danh đã lần lượt bị bắt, đầu tiên từ Chủ tịch, Tổng giám đốc cho đến thành viên HĐQT và điều hành…. Thậm chí, nhiều đại gia có liên quan có thể bị xem xét trong thời gian tới khi mà hồ sơ vụ Bầu Kiên được trả lại để làm rõ thêm khiến ACB chao đảo, thị trường tài chính cũng được một phen “rung lắc”.

Sau đại án trên, tưởng rằng đó sẽ là bài học lớn cho các ngân hàng cũng như công tác lãnh đạo các cơ quan quản lý. Thế nhưng hàng loạt vụ đại án nghìn tỷ liên tiếp được đưa ra ánh sáng.

Cụ thể, vào thời điểm cuối tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra cùng với một số thành viên trong ban lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh.

Với các tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây Dựng.

Tiếp đến có thể kể đến vụ việc nghiêm trọng khi một trong những ngân gàng lớn nhất Việt Nam (Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển Nông thôn- Agribank) cũng dính đến đến nhiều vụ án tham nhũng đình đám, dẫn đến thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Đầu tiên chính là đại án gây thất thoát 966 tỷ tại Agribank chi nhánh số 6, do Dương Thanh Cường và đồng phạm gây ra tại Agribank chi nhánh 6 thành phố Hồ Chí Minh. Vụ án thứ hai có số tiền thất thoát tăng gần gấp 3 lần, lên tới 2.500 tỷ đồng.

Hay gần đây nhất là vụ đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 27/2 với những con số thống kê “khủng” nhất từ trước đến nay cả về số người liên quan đến vụ án lẫn số tiền thất thoát.

Theo đó, có gần 600 đương sự liên quan đến vụ án được triệu tập, 48 bị cáo có mặt. Đặc biệt hầu hết các bị cáo đều là lãnh đạo tại hội sở ngân hàng và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank trên toàn hệ thống, lãnh đạo Công ty BSC.

Ngoài ra còn có rất nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng đang phải trả giá cho những sai phạm của mình như lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Tổng giám đốc GPBank, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) và cựu chủ tịch TrustBank cũng vừa bị bắt giam.

“Siết” tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo

Thông tin từ các chuyên gia tài chính – ngân hàng, nguyên nhân của những vụ đại án kinh tế trên ngoài công tác quản lý nó còn xuất phát từ nhiều lỗ hổng khiến các đối tượng lợi dụng trục lợi thì một nguyên nhân quan trọng nữa là do công tác bổ nhiệm lãnh đạo ngân hàng còn lỏng lẻo.

Mới đây, ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo “siết” lại tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo ngân hàng. Thông tin từ NHNN, các quy định hiện hành về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh Chủ tịch HĐQT, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc… của các ngân hàng tại Luật các tổ chức tín dụng được xây dựng từ năm 2010, đến thời điểm hiện tại đã không còn phù hợp với quy mô phát triển của hệ thống.

NHNN cũng nhận định, những bất cập trên đã tạo ra kẽ hở tiềm ẩn làm phát sinh các rủi ro từ các lỗ hổng trong quản lý, điều hành tổ chức tín dụng. Chính vì thế thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã xảy ra nhiều sai phạm của người giữ chức danh quản lý, điều hành tại các các ngân hàng, trong đó có những sai phạm gây thiệt hại tới hàng nghìn tỷ đồng, gây mất lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

Thực tế trên làm làm ảnh hưởng tới tốc độ, quy mô tăng trưởng của các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến thị trường tài chính.

Dự thảo này được kỳ vọng sẽ khắc phục những yếu kém còn tồn tại. Qua đó, NHNN cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung điều 50 Luật các tổ chức tín dụng về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc của các tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn.

Trong đó quy định, các cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng bị cấm vĩnh viễn không được là người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng. Thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên phải có kiến thức về quản trị rủi ro. Tổng giám đốc phải có năng lực phù hợp với quy mô và mức độ phức tạp trong hoạt động của tổ chức tín dụng tham gia điều hành...

Theo các chuyên gia: Việc “siết” tiêu chuẩn người được lựa chọn vào vị trí quản lý theo hướng chặt chẽ hơn sẽ tránh được các sai phạm của cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn, lành mạnh, ổn định của ngân hàng. Qua đó, tạo tâm lý tin tưởng của người dân vào hệ thống ngân hàng.

Thế Long - Anh Đức