Tình trạng lưới điện, cáp viễn thông giăng đầy trên các trụ điện dọc đường mà người dân thường gọi là “ mạng nhện” đang gây mất mỹ quan ở đô thị TP Hồ Chí Minh. Dù chủ trương ngầm hóa hệ thống lưới điện kết hợp cáp viễn thông đã được thực hiện trong ba năm qua nhưng tiến độ còn chậm.

Bộ mặt đô thị từng bước thay đổi

Có thể nói, trong khoảng hai năm trở lại đây, một số tuyến đường ở nội ô TP Hồ Chí Minh trở nên thông thoáng hơn, không còn cảnh “ mạng nhện” giăng trên các cột điện dọc hai bên đường. Đầu tiên, một số tuyến đường như Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, (quận 1); Nam kỳ khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi ( quận 3) đã được thí điểm ngầm hóa từ năm 2005. Nhưng đến nay chỉ lưới điện được ngầm hóa, riêng dây thông tin và chiếu sáng vẫn còn giăng đầy.

Từ năm 2009, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm tiếp năm công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin quanh hội trường Thành ủy, chợ Bến Thành, đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn ( quận 1) và Trương Định (quận 3). Kết quả cho thấy bộ mặt phố xá ở các khu vực này thay đổi theo chiều hướng tích cực, thông thoáng hẳn. Trong đó, các quận đặt tỷ lệ ngầm hóa cao nhất gồm: quận 1, quận 3: (82%); quận 5: 75%; quận Phú Nhuận: 60%; quận 10,11: 57%...

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty điện lực TP Hồ Chí Minh cho biết, theo đề án Ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin đến năm 2020, từ năm 2011 đến 2015 sẽ ngầm hóa 400km lưới điện trung thế, 500km lưới hạ thế và 9km lưới 110kV. Tuy vậy, đến nay thành phố mới chỉ ngầm hóa được 57,5km lưới trung thế, 97,3 km lưới hạ thế và 2,7 km lưới 110 kV, khá chậm so kế hoạch. Chính vì vậy, trong năm 2014, tổng công ty đề ra mục tiêu thực hiện 42 công trình, trong năm 2015 thực hiện  38 công trình. Nhưng kế hoạch này có hoàn thiện hay không thì còn phải chờ sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị.

Đùn đẩy trách

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có năm doanh nghiệp (DN)  phải thực hiện công tác ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông bao gồm: Tổng công ty Điện lực thành phố, Viettel, Viễn thông Thành phố, Saigontourist,  Công ty cổ phần viễn thông FPT. UBND thành phố đã yêu cầu tổng công ty Điện lực thành lập một Ban chỉ đạo để có đầu mối thống nhất giữa các DN. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các DN chưa nhịp nhàng dẫn đến chậm trễ thực hiện đề án ngầm hóa.

Ông Phạm Quốc Bảo dẫn chứng, trong năm 2011 – 2013, ngành điện lực đã thực hiện 31 dự án ngầm hóa lưới điện nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được các trụ điện trên bốn dự án. Nguyên nhân là đơn vị viễn thông chưa ngầm hóa cấp viễn thông của họ.Ở một số tuyến đường như Nguyễn Văn Trỗi dù đã ngầm hóa hết lưới điện, viễn thông nhưng vẫn thấy xuất hiện một số dây điện  thoại giăng ngang đường. có hiện tượng một số đơn vị viễn thông chưa mặn mà với công tác ngầm hóa.

“ Thậm chí có đơn vị triển khai chậm với lý do… chưa dự trù được kinh phí”, ông Bảo cho biết.

Một số DN cho rằng Sở Giao Thông vận tải gây khó khăn khi cấp phép đào đường để thực hiện ngầm hóa. Nhưng ông Bùi Xuân Cường, phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải lý giải là các DN chưa thật sự phối hợp tốt với nhau.  Ông Cường dẫn chứng, trên tuyến đường Trương Định đáng ra các DN phải thống nhất để cùng lúc ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông, đằng này cứ mạnh ai nấy làm. “ Chẳng lẽ trên một tuyến đường mà hôm nay cấp phép cho ông điện lực đào lên để ngầm hóa lưới điện, tháng sau lại cấp phép cho ông viễn thông đào lên, tháng sau lại cấp cho ông truyền hình… Như thế thì còn gì đường sá nữa”, ông Cường nói.

Ông Tô Văn Trưởng, Phó Tổng Giám đốc Công ty mạng lưới Viettl cho rằng  yếu tố làm chậm quá trình ngầm hóa là sự chỉ đạo chưa quyết liệt. “ Trưởng ban chỉ đạo ngầm hóa là Tổng công ty Điện lực thành  phố, đại diện mỗi DN đều là thành viên, nhưng quan hệ giữa các DN là ngang hàng nhau, có khi ông Trưởng ban nói mà thành viên không thực hiện  theo thì cũng đành chịu”, ông Trường nói.

Theo ông Phạm Quốc Bảo, có DN cho rằng việc ngầm hóa là trách nhiệm của nghành điện. Vì vậy ông Bảo kiến nghị lãnh đạo UBND Thành Phố cần tham gia trực tiếp Ban chỉ đạo ngầm hóa với vai trò Trưởng ban để chỉ đạo chung công tác thực hiện. Lãnh đạo ba Sở gồm: Giao thông vận tải, Công thương, Thông tin – Truyền thông tham gia làm phó trưởng ban để chỉ đạo chung về tiến độ, chất lượng công trình  và công tác phối hợp ngầm hóa giữa các đơn vị.

“ Phải có đơn vị quản lý nhà nước tham gia chỉ đạo thì các DN mới nghe , việc thực hiện mới quyết liệt, tránh tình trạng DN này làm còn DN khác chây ỳ làm ảnh hưởng tiến độ chung công tác ngầm hóa và gây mất mỹ quan đô thị”, ông Bảo nhấn mạnh.

Theo Thời Nay