Trong đợt ra quân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, toàn tỉnh đã kiểm tra 2.446 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Toàn tỉnh đã kiểm tra 2.446 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong tháng hành động về an toàn thực phẩm.

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Hà Tĩnh, các địa phương và đơn vị đã triển khai đồng bộ các hoạt động.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, việc kiểm tra cũng được chú trọng nhằm tạo sự răn đe và nâng cao ý thức cho các đơn vị sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Theo tổng hợp từ Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, trong đợt ra quân kiểm tra Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập 236 đoàn kiểm tra, trong đó có 5 đoàn cấp tỉnh, 15 đoàn cấp huyện và 216 đoàn cấp xã.

Các đoàn đã kiểm tra 2.446 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện và xử lý hành chính 70 cơ sở với số tiền gần 200 triệu đồng.

Trong công tác kiểm nghiệm thực phẩm, các đoàn đã lấy 245 mẫu xét nghiệm và phát hiện 1 mẫu không đạt chuẩn.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 đã được các cấp chính quyền triển khai và giám sát từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn. Các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện và xử lý kịp thời.

giám sát chặt chẽ các cơ sở bị phát hiện vi phạm để đảm bảo họ khắc phục các tồn tại sau các đợt kiểm tra.
Lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập; phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình và thời vụ nên việc cải thiện điều kiện vệ sinh và trang thiết bị đảm bảo an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế; nhận thức và kiến thức về an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh thực phẩm đường phố vẫn còn hạn chế.

Bà Đào Thị Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP), Chính phủ cần nhanh chóng thiết lập một cơ cấu tổ chức quản lý ATTP thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo chỉ một đầu mối quản lý. Cần được tăng cường và phân cấp rõ ràng trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP.

Các địa phương cần đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện hiệu quả các hoạt động kiểm tra, giám sát và tập huấn, nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ sở chế biến, sản xuất và kinh doanh thực phẩm.  

Duy trì và triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP cần được thực hiện thường xuyên, giám sát chặt chẽ các cơ sở bị phát hiện vi phạm để đảm bảo họ khắc phục các tồn tại sau các đợt kiểm tra.

Xuân Lê