THCL Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội vừa công bố danh sách 18 công trình nhà ở cao tầng trên địa bàn không bảo đảm điều khiện PCCC. Đây là những công trình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC…
Chủ đầu tư vẫn “nhờn luật”
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của HĐND, UBND TP. Hà Nội tại Kỳ họp thứ 2 Khóa XV về việc tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm, đăng công báo đối với các công trình nhà cao tầng còn tồn tại vi phạm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Cảnh sát PCCC TP đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời hướng dẫn CĐT các dự án công trình xây dựng tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp khắc phục nội dung tồn tại về PCCC.
Tuy nhiên, đến nay vẫntồn tại một số công trình nhà cao tầng vi phạm quy định về PCCC. Để khắc phục tình trạng này, tới đây,lực lượng PCCC thành phốsẽ tiếp tục phối hợp với UBND quận, huyện, thị, có biện pháp cương quyết, yêu cầu buộc cơ sở thực hiện các nội dung tồn tại và cam kết thực hiện của từng CĐT.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện cam kết, tiếp tục tuyên truyền về PCCC; công khai thông báo các hành vi vi phạm, các nội dung tồn tại, các điều kiện không đảm bảo an toàn về PCCC đối với công trình để người dân sinh sống và làm việc tại các tòa nhà biết và cùng giám sát CĐT thực hiện.
Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các nội dung đã kiến nghị và cam kết theo quy định.
Được biết, Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội đã 2 lần đăng công báo đối với tổng số 61 công trình vi phạm quy định về PCCC. Lần 1 vào ngày 30/01/2016 với 52 công trình, lần 2 vào ngày 29/7/2016 với 38 công trình.Và lần 3 tới, Cảnh sát PCCC thành phố tiếp tục công khai 18 công trình không đảm bảo an toàn về PCCC.
Trên thực tế, nhiều công trình dù đã bị lập biên bản hành chính xử phạt, nhưng CĐT vẫn “nhờn luật” chấp nhận chịu phạt để tồn tại (?!).Ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, do mức độ đời sống của người dân Việt Nam quá thiếu thốn về nhà cửa nên khi có căn nhà mới được hoàn thiện là họ muốn vào ở ngay, mặc dù có thể biết hệ thống này, hệ thống kia chưa hoàn thiện.
“Công trình xây dựng ngay trong thiết kế ban đầu khi thiết kế được duyệt, trong đó có cả hệ thống PCCC - tính an toàn phải đảm bảo cho người dân. Luật PCCC cũng đã quy định rõ về trách nhiệm của CĐT, cũng như cơ quan quản lý. Người nào không thực hiện đúng, sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Hùng nói.
Chế tài xử phạt quá nhẹ!
Theo bà Phạm Thị Hòa, PCT UBND quận Hà Đông: Thiếu chế tài xử lý mạnh là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng mất an toàn PCCC tại một số khu chung cư cao tầng tồn tại.
“Mức xử phạt hành chính như hiện nay chưa đủ sức răn đe để các CĐT chấp hành nghiêm các quy định về PCCC. Chúng tôi kiến nghị cần có chế tài mạnh hơn nữa để lập lại trật tự trong đầu tư xây dựng. Làm được điều này, sẽ ngăn ngừa được tình trạng CĐT bất chấp công trình chưa đủ các điều kiện về an toàn PCCC đã đưa vào sử dụng”, bà Hòa nói.
Theo đại diện Cảnh sát PCCC Hà Nội, những tồn tại này là do CĐT chỉ biết xây nhà lên để bán mà không quan tâm đến công tác an toàn PCCC.
Thượng tá Trần Quế Thường, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 9 nêu:“Một số người dân chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề PCCC. CĐT thì thường vin vào việc người dân có nhu cầu và rất khó khăn về nhà ở để vi phạm các quy định liên quan đến an toàn PCCC. Đối với những dự án người dân đã vào ở rồi mà chưa thẩm định an toàn PCCC, sẽ rất khó xử lý bởi không thể cắt điện, cắt nước, ép người dân ra được”.
Thượng tá Trần Quế Thường cũng cho rằng,niện nay, chế tài xử phạt hành chính tối đa 80 triệu đồng đối với tổ chức là quá nhẹ. Vì vậy, cần phải có chế tài xử phạt thích đáng đối với các CĐT cố tình chây ỳ. Cần thiết phải duy trì công tác kiểm tra liên ngành gồm quản lý đô thị, thanh tra xây dựng, cảnh sát PCCC, tài nguyên - môi trường… ngay từ khi dự án bắt đầu đầu tư xây dựng. Sai phạm ở đâu, sẽ xử lý nghiêm ngay từ đó.
Tuấn Ngọc