THCL Theo Chi cục Thú y Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã kiểm tra và phát hiện hơn 11.500 cơ sở vi phạm ATTP, trong đó, có gần 3.700 cơ sở bị phạt tiền và xử lý theo quy định pháp luật.

11.500 cơ sở vi phạm

Thực hiện thí điểm thanh tra liên ngành tại 10 xã, phường trện địa bàn TP. Hà Nội với 2.563 cơ sở được kiểm tra, tỷ lệ cơ sở vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính so với trước khi thực hiện thí điểm tăng từ 17,6% lên 21,2%, số tiền phạt từ hơn 222 triệu đồng tăng lên gần 760 triệu đồng.

Riêng Chi cục Thú y đã tiến hành thanh kiểm tra 63.898 cơ sở SXKD thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, phát hiện 11.546 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 3.672 cơ sở và xử lý theo quy định của pháp luật.

Chi cục đã lấy 1.764 mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, phát hiện 107 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật, hóa học và theo hồ sơ cơ sở tự công bố. Xét nghiệm nhanh 137.531/tổng số 152.693 mẫu, đạt 90,1%. Xét nghiệm 191 mẫu nước tiểu lợn phát hiện 7/191 mẫu dương tính với Salbutamol.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, công tác quản lý ATTP gặp không ít khó khăn do hệ thống các văn bản, thông tư hướng dẫn thay đổi thường xuyên, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều thông tư mang tính chất quản lý chuyên ngành có nội dung mở, khó hiểu và việc phân cấp quản lý ATTP bị phân đoạn, chưa liên tục, chồng chéo, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành và UBND các cấp.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn thiếu phương tiện đi lại, trang thiết bị phục vụ thanh tra, kiểm nghiệm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác ATTP ở các tuyến còn thiếu, trình độ quản lý chuyên môn về ATTP hạn chế so với khối lượng và yêu cầu công việc đòi hỏi đáp ứng ngày càng cao.

Đáng chú ý, nhiều cơ sở SXKD chạy theo lợi nhuận không tính đến quyền lợi của NTD; nhiều cơ sở nhỏ lẻ manh mún, nhiều chợ cóc, chợ tạm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh…

Vào cuộc thiếu quyết liệt

Thực tế, những nguyên nhân chính dẫn đến “lỗ hổng” về ATTP thường được nhắc đến chủ yếu là do: Bất cập trong công tác quản lý, công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với DN; sự thiếu kiên quyết xử lý vi phạm về ATTP ở một số địa phương; cố tình sai phạm trong việc thực thi các quy định về ATTP trong quy trình nhập khẩu nguyên liệu, chế biến sản xuất…

Về chế tài xử phạt, theo quy định những hành vi vi phạm quy định về ATTP sẽ bị xử lý rất nặng. Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ, chỉ cần sử dụng chất cấm đã có thể bị phạt tiền rất nặng, tình tiết tăng nặng, nghiêm trọng sẽ bị phạt tù; ngoài ra, còn điều chỉnh nhiều hành vi như sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng...

Theo quy định mới từ 1/7/2016 (Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015), người vi phạm các quy định về việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm, sẽ bị phạt tù từ 1 - 5 năm. Đặc biệt, đối với một số tình tiết nghiêm trọng,có tình tiết tăng nặng, mức phạt tù có thể lên tới 20 năm tù giam, thay vì chỉ bị phạt hành chính như trước đây.

QĐ số 38/2015/QĐ-TTg ngày 09/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của TP. Hà Nội và TP. HCM.

Theo đó, chủ tịch UBND cấp quận, phường có quyền ra quyết định thanh tra và có toàn quyền xử phạt vi phạm hành chính ngay tại chỗ với cả 3 lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công thương. Các địa phương được giữ lại 100% số tiền phạt. Có thể nói, sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực ATTP.

Chế tài đã có, cơ chế giám sát đã có, nguồn nhân lực đã được bổ sung, vấn đề không nằm ở chế tài xử lý, bộ máy quản lý mà ở khả năng đội ngũ thực thi pháp luật có làm nghiêm hay không, có quyết liệt với “thực phẩm bẩn” hay không mà thôi.

Tuấn Ngọc