Ngân hàng Bản Việt vừa chính thức phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm.
Cụ thể, chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân có mệnh giá từ 10 triệu đồng, dành cho khách hàng tổ chức mệnh giá từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng. Tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10,0%/năm và 10,2%/năm.
Ảnh minh họa
Theo khảo sát, có 2 ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 9,1%/năm là VIB và VietABank. Ngoài ra, những ngân hàng khác đa số phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên 8%/năm.
Trong thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm cho khách hàng tham gia gửi tiết kiệm bậc thang theo số tiền, SHB cho biết, mức lãi suất cao nhất tại nhà băng này sẽ tăng lên 8,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên đến 7,8%/năm, kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng mức lãi suất tối đa sẽ lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm.
OCB cũng vừa áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 12/8, theo đó mức lãi suất ở nhiều kỳ hạn tăng, mức tăng. Theo đó, mức lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy và online của nhà băng này hiện là 8%/năm và 8,1%/năm, kỳ hạn 36 tháng trong khi trước đó chỉ ở mức 7,6%/năm và 7,7%/năm.
Theo nhận định của chuyên gia, sản phẩm chứng chỉ tiền gửi đang ngày càng được người dân ưa chuộng hơn. Một mặt, lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm thông thường. Mặt khác, chứng chỉ tiền gửi dễ dàng chuyển nhượng. Khách hàng còn có thể bán chứng chỉ tiền gửi cho người khác, giá cả chuyển nhượng do hai bên thỏa thuận. Khi đó, ngân hàng sẽ đóng vai trò trung gian xác nhận chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền và không thu phí giao dịch.
Hằng Vương (t/h)