Có 15 nước trong khối Trung Đông hiện đang xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, trong đó Israel và Ai Cập là 02 thị trường xuất khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong những năm qua.
Đáng chú ý trong khối thị trường Trung Đông, Israel và Arập Xêut đang là 02 thị trường NK cá ngừ đơn lẻ lớn thứ tư và 5 của Việt Nam trong giai đoạn này. Năm 2022, sau cú sốc kép của dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine, tỷ lệ lạm phát tại các nước Trung Đông tăng cao, đặc biệt là Israel.
Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển và giá cá ngừ tăng đã làm sụt giảm nhu cầu nhập khẩu cá ngừ sang thị trường này, đặc biệt là tại Israel. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Ảrập Xê Út lại đang có xu hướng tăng mạnh trong năm nay, mức tăng trưởng liên tục ở mức 3-4 con số so với cùng kỳ.
Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, hiện các nước Trung Đông nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304, chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường này, tiếp đến là cá ngừ đóng hộp chiếm 28% và cá ngừ chế biến khác mã HS16 chiếm 22%.
Năm 2021, có 31 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường này. Trong đó, các công ty thuộc Hai Vuong Group, Tithico, Tan Phat Food và Bidifisco là những công ty xuất khẩu nhiều nhất sang khối thị trường này.
Tại thị trường Trung Đông, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ ba sau Thái Lan và Indonesia. Trong đó, Thái Lan là nguồn cung chiếm tỷ trọng lớn nhất gần 55%, tiếp đến là Indonesia 9%, Việt Nam 7% và Trung Quốc 6%.
Qua đó có thể thấy, nguồn cung cá ngừ của Thái Lan đang cách rất xa nguồn cung của Việt Nam, trong khi đó Trung Quốc lại đang rất gần.
Hiện tại, do giá cá ngừ nhập khẩu từ Thái Lan có xu hướng tăng cao, bên cạnh đó để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước này, các nhà nhập khẩu Trung Đông đang chuyển hướng sang tăng cường nhập khẩu cá ngừ từ các nguồn cung khác từ Châu Á như Indonesia, Việt Nam hay Trung Quốc.
H.T (t/h)