Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2023, cả nước xuất khẩu 635.000 tấn gạo, tương đương 407 triệu USD, giảm 10,9% về lượng, nhưng tăng 19,4% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu tháng 10/2023 tăng tới 34%.

Tính chung 10 tháng năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 7,05 triệu tấn, tương đương 3,95 tỷ USD, tăng 15,9% về lượng, tăng 34% về trị giá so với 10 tháng năm 2022, giá trung bình đạt 559,5 USD/tấn, tăng 15,6%.

Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhiều quốc gia cấm và hạn chế xuất khẩu, Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội để có kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng qua. Đây là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới.

Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội để có kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng qua
Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội để có kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng qua (Ảnh minh hoạ).

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 37,3% trong tổng lượng và chiếm 35,7% trong tổng trị giá gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 2,63 triệu tấn, tương đương gần 1,41 tỷ USD.

Tiếp sau đó là thị trường Indonesia chiếm trên 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt gần 1,03 triệu tấn, tương đương 554,63 triệu USD, giá trung bình 539 USD/tấn, tăng mạnh 1.710% về lượng và tăng 1.908% về trị giá; giá xuất khẩu cũng tăng 11% so với 10 tháng năm 2022.

Thị trường Trung Quốc đứng thứ ba đạt 884.000 tấn, tương đương 511 triệu USD, giá xuất khẩu đạt 577,7 USD/tấn, tăng 16,7% về lượng, tăng 33,4% trị giá và tăng 14,4% về giá so với 10 tháng năm 2022.

Trung Quốc hiện chiếm gần 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt gần 5,05 triệu tấn, tương đương 2,75 tỷ USD, tăng 24,2% về lượng, tăng 42,9% về trị giá. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 513.422 tấn, tương đương 280 triệu USD, tăng 0,4% về lượng, tăng 13,3% về trị giá.

Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt trên 4,13 triệu tấn, tương đương 2,21 tỷ USD, tăng 26,1% về lượng, tăng 45,8% về trị giá.

Đơn hàng gạo xuất khẩu tháng 11 và 12 vẫn về nhiều, nhưng doanh nghiệp không dám ký kết do lo ngại không đảm bảo được sản lượng thóc thu mua để giao cho khách hàng. Dự kiến, nếu doanh thu xuất khẩu đạt 850 - 900 triệu USD trong 2 tháng còn lại, xuất khẩu gạo cả năm sẽ mang về 4,8 tỷ USD, đánh dấu mức kỷ lục của ngành lúa gạo xuất khẩu.

Trong khi đó, năm 2024 được dự báo vẫn còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam khi nguồn cung thiếu hụt và các nước tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trước những biến động khó lường trên thế giới.

Dễ thấy nhất là các thị trường trong khu vực như Indonesia, Trung Quốc, Philippines... tiếp tục tăng mua gạo Việt.

Phương Thảo (t/h)