Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,3% so với kế hoạch của cả năm.

Một số thị trường chính tăng mạnh như: Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc đạt 1,059 tỷ USD, tăng 46,6%. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1,29 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

AAAAA
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 6 tháng đầu năm đạt gần 8 tỷ USD; Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất xuất khẩu gỗ Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về thị trường xuất khẩu gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài,  Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết: Hoa Kỳ vẫn đang là thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam.

Trong 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Từ đầu năm tới nay, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, cho thấy nhu cầu đang phục hồi nhanh tại thị trường này. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính tới Hoa Kỳ, đây cũng là mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ.

Trong 6 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tới Hoa Kỳ đạt tới 3,45 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới Hoa Kỳ đều tăng trưởng tích cực. Tiếp theo là xuất khẩu mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 323 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2023. 

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng trưởng lên tới 46,6% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất văn phòng của Trung Quốc từ Việt Nam tăng rất mạnh, chiếm 24,7% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất văn phòng của Trung Quốc.

Trong khi đó, theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của nước này trong nửa đầu năm nay đã giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc giảm nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ hầu hết các thị trường cung cấp chính, như Italia là nguồn cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Trung Quốc, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 49,8% tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc.

Tiếp theo là nguồn từ Đức giảm 22,1%. Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành nguồn cung cấp đồ gỗ nội thất lớn thứ ba trong tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất vào Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.

Đáng chú ý, tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc từ Việt Nam đều ở mức thấp, do đó vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác thị trường này trong thời gian tới.

Về kế hoạch những tháng cuối năm, Cục Lâm nghiệp cho biết sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại; bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Nhân rộng các mô hình liên kết thành công.

Minh An (t/h)