Cụ thể, hai tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 650 triệu USD, trong đó xuất sang Trung Quốc 502 triệu USD. Như vậy, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chiếm 77% kim ngạch rau quả của Việt Nam. Thị trường Mỹ đứng thứ 2 với kim ngạch 18,5 triệu USD (2,84% thị phần) và thứ 3 là Nhật Bản với 17,5 triệu USD (2,7% thị phần).
Ảnh minh họa
Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, nhìn lại các năm trước, rau quả xuất sang Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2017, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 2,65 tỷ USD, chiếm 75,7% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm của cả nước. Hiệp hội cũng lưu ý thách thức nước này đang siết chặt các quy định và sửa đổi các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2016-2020.
Mới đây, cơ quan kiểm dịch tỉnh Quảng Tây đã ra thông báo kể từ ngày 1/4, sẽ quản lý nhập khẩu trái cây từ Việt Nam bằng truy xuất nguồn gốc, tương tự quy định tại các nước như Mỹ, Australia…
Để khai thác tốt lợi thế, áp dụng quy trình sản xuất sạch đáp ứng những rào cản về chất lượng đã đem về kim ngạch xuất khẩu cao cho ngành rau quả trong những tháng đầu năm nay. Đây cũng là tiền đề để xuất khẩu rau của Việt Nam tăng trường nhiều hơn nữa.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cũng chia sẻ cần tận dụng những cơ hội thuận lợi của thị trường, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, đảm bảo cả về số lượng, chất lượng đang tạo đà để rau, quả Việt Nam tiếp tục thâm nhập những thị trường có giá trị kinh tế cao.
“Để mở cửa thị trường phải giải quyết 2 rào cản chính là kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với những sản phẩm rau củ quả. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải. Cục đang phối hợp với các địa phương tiếp tục mở rộng cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu”, ông Trung cho hay.
Hoàng An