Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), trong tháng 9, xuất khẩu thuỷ sản của nước ta đạt 858 triệu USD, chỉ giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm thấp nhất của xuất khẩu thuỷ sản từ tháng 11/2022 đến nay. 

Luỹ kế đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu thuỷ sản thu về 6,64 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tháng 9 năm nay, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều đạt mức tương đương tháng 9/2022. Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra phục hồi mạnh khi tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thị trường lớn hồi phục, cá tra Việt Nam chuẩn bị đón ‘mùa vàng’
Thị trường lớn hồi phục, cá tra Việt Nam chuẩn bị đón "mùa vàng"

Kết quả xuất khẩu gần đây cho thấy, thị trường có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu. Theo đó, xuất khẩu thuỷ sản nước ta sang hai thị trường này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. 

Một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Úc, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Với mặt hàng cá tra, VASEP nhìn nhận đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ... Trong tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường đã lấy lại cân bằng hoặc đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU tăng từ 4-17% so với cùng kỳ năm 2022; sang Nhật Bản vẫn thấp hơn 15%.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai thị trường xuất khẩu lớn của mặt hàng thuỷ sản Việt Nam. Đặc biệt, ở hai thị trường lớn này, cá tra đều là những sản phẩm chủ lực, thế mạnh của Việt Nam.

Để nắm bắt cơ hội cho xuất khẩu thủy sản cuối năm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã phối hợp cùng các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2023, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.

Bởi giá sản phẩm thủy sản hiện tại vẫn đang ở mức thấp, lợi nhuận không nhiều, người dân có tâm lý “treo ao” chờ tín hiệu của thị trường.

Điều này dễ dẫn đến nguy cơ các tháng cuối năm có thể thiếu nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến và xuất khẩu, ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2023.

Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Thủy sản sắp tới tổ chức hội nghị phát triển thủy sản trong tình hình mới để chủ động nguyên liệu, nắm tốt cơ hội thị trường, làm sao để về đích được 10 tỷ USD trong năm 2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Thiên Trường