Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2021 ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,4 tỷ USD, tăng 41%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01 ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xuất khẩu hàng hóa tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước tính đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 6,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,1 tỷ USD, giảm 2%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 tăng 50,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 37,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 56,2%.

Trong tháng 1 có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 114,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4 tỷ USD, tăng 50,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,2 tỷ USD, tăng 115,3%; hàng dệt may đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3%; giày dép đạt 1,8 tỷ USD, tăng 26,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 48,4%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 2,03 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng 12/2020 nhưng tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 7,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong nhóm này, ngoại trừ rau quả, cà phê và gạo có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước (lần lượt giảm 7,63%; 12,6% và 20,2%), các mặt hàng khác đều có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: xuất khẩu thủy sản ước đạt 600 triệu USD, tăng 19,6%; cao su đạt 321 triệu USD, tăng 142,2% (lượng tăng 119,7%); hạt điều đạt 268 triệu USD, tăng 51,7% (lượng tăng 78,2%); hạt tiêu đạt 51 triệu USD, tăng 42,4% (lượng tăng 21,9%); chè đạt 16 triệu USD, tăng 31,2% (lượng tăng 25,8%).

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác... khiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản sang thị trường này gặp không ít khó khăn. Cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông báo tiến hành kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thông thường do lo ngại dịch Covid-19 dễ lây lan qua biên giới khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa Đông và mùa Xuân. Bên cạnh đó, Chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc (địa phương có biên giới với 04 tỉnh Việt Nam là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang) cũng đã đưa ra một số yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu thực phẩm đông lạnh.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương thông báo và khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng của hàng hóa, tránh vi phạm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm, góp phần giúp quá trình thông quan diễn ra thuận lợi hơn. Bộ Công Thương cũng đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành của Việt Nam để trao đổi với phía Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 193 triệu USD, giảm 13,9% so với tháng 12/2020 và giảm 50,4% so với cùng kỳ.

Trong đó, so với tháng 01/2020, kim ngạch xuất khẩu than giảm 9,6%; xuất khẩu dầu thô giảm 33,9%; xuất khẩu xăng dầu các loại giảm 74,1% và xuất khẩu quặng và khoáng sản khác giảm 20%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 23,96 tỷ USD, tăng 1% so với tháng 12/2020 và tăng 54,5% so với cùng kỳ, chiếm 86,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài mặt hàng túi sách, vali, mũ, ô dù có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ (giảm 6,1%), các mặt hàng khác duy trì được tăng trưởng xuất khẩu dương so với cùng kỳ. Trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ tăng 48,4%; giấy và sản phẩm giấy tăng 32,5%; hàng dệt và may mặc tăng 3,3%;  xơ, sợi, dệt các loại tăng 64,6%; giầy, dép các loại tăng 26,4%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 30,6%; sắt, thép các loại tăng 61,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 50,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 114,8%; máy ảnh, máy quay phim và kinh liện tăng 80,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 115,3%...

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta trong tháng 1/2021, đạt 5,8 tỷ USD, tăng khá mạnh 25,9% so với tháng 12/2020. Xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh do hãng Samsung cho ra mắt bộ ba sản phẩm mới là Samsung Galaxy S21, Samsung Galaxy S21 Plus và Samsung Galaxy S21 Ultra. Đây được xem là những chiếc điện thoại cao cấp Android mở màn cho làng công nghệ trong năm mới 2021.

Tháng 1/2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 111,6%; thị trường EU đạt 2,8 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường ASEAN đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31,9%; Nhật Bản đạt 1,9 tỷ USD, tăng 22,7%; Hàn Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,2%.

Nhập khẩu hàng hóa tăng 41% so với cùng kỳ

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2020 ước tính đạt 26,4 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng 12/2020, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,4 tỷ USD, giảm 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17 tỷ USD, giảm 5,8%.

So với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1 tăng 41%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 35,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 44,3%.

Trong tháng 1 có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 50,6% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,5 tỷ USD (chiếm 20,8% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4,1 tỷ USD, tăng 46,3%; điện thoại và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, tăng 128,3%; vải đạt 1,2 tỷ USD, tăng 32,9%.

Nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 23,6 tỷ USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 89,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 1,52 tỷ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ.

Tháng 1/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,6 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD, tăng 29,3%; thị trường ASEAN đạt 3,4 tỷ USD, tăng 63,3%; Nhật Bản đạt 2 tỷ USD, tăng 52,9%; thị trường EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 23,3%; Hoa Kỳ đạt 1 tỷ USD, tăng 4,2%.

Ước tính tháng 1/2021 xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD.

Minh Anh