Tại Hội trường Thống Nhất (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM), ngay từ sáng sớm, nhiều đoàn đại biểu các bộ ngành, đoàn thể và các địa phương khu vực phía Nam, người dân đã xếp hàng để vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xúc động những dòng tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh - Hình 1

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn viếng Đại tướng Lê Đức Anh. (Ảnh: HOÀNG GIANG)

Vào viếng đầu tiên tại là đoàn Thành ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, do ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM dẫn đầu.

Ghi sổ tang, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân gửi tới gia quyến Đại tướng Lê Đức Anh lời chia buồn sâu sắc.

Ông ghi vào sổ tang: Vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ một vị tướng tài ba, quả cảm, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam bộ, với quân dân Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM. Một nhà lãnh đạo xuất sắc, có tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, và mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Xúc động những dòng tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh - Hình 2

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ghi sổ tang. (Ảnh: HOÀNG GIANG)

 "Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh – chú Sáu Nam về yên nghỉ trong lòng đất Nam bộ Thành đồng Tổ quốc. Chúng tôi xin nguyện tiếp bước con đường cách mạng của Đồng chí, chung sức, đồng lòng, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo để bảo vệ, xây dựng và phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” - ông Nguyễn Thiện Nhân viết tiếp.

Tiếp theo là đoàn đại biểu các Cơ quan Trung ương Đảng phía Nam, do ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng dẫn đầu.

Viết trong sổ tang, ông Nguyễn Văn Nên ghi: "Một nhân cách được thử thách qua lửa đạn và quyền lực. Một đảng viên cộng sản kiên trung; một dũng tướng tài ba mưu lược, luôn có mặt ở những chiến trường nóng bỏng, ác liệt; một trong những nhà lãnh đạo mẫu mực, quyết đoán. Đồng chí thật sự là một trong những nhà lãnh đạo đã để lại tấm gương sáng suốt đời vì nước vì dân, cho các thế hệ nối tiếp học tập, noi theo".

 Xúc động những dòng tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh - Hình 3

Các đoàn chia buồn với gia đình Đại tướng Lê Đức Anh ở TP.HCM. (Ảnh: HOÀNG GIANG)

Đoàn đại biểu Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7 do Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7 dẫn đầu vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Xúc động ghi trong sổ tang, Trung tướng Võ Minh Lương viết: Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà chính trị lớn, nhà quân sự tài ba luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, có tư duy sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Võ Minh Lương hứa cán bộ chiến sĩ Quân khu 7 nguyện trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, kiên định vững vàng, chủ động sáng tạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Xúc động những dòng tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh - Hình 4

Gia đình, thân tộc viếng Đại tướng Lê Đức Anh. (Ảnh: HOÀNG GIANG)

Đoàn Quân khu 9 do Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 9, làm trưởng đoàn tới viếng và ghi sổ tang: "Đồng chí Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta. Đồng chí đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự phát triển, đổi mới của đất nước Việt Nam".

Xúc động những dòng tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh - Hình 5

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM đến viếng. (Ảnh: HOÀNG GIANG)

Trung tướng Lê Đông Phong, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP.HCM đến dâng hương tưởng nhớ Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Trong sổ tang, Trung tướng Lê Đông Phong chia sẻ, trong hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh cứu nước vì nền độc lập dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, và phát triển đất nước Việt Nam. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn lao đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; là niềm tiếc thương vô hạn của gia đình và bạn bè quốc tế.

Sau đó, đại diện các cơ quan Trung ương đóng tại TP.HCM, đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố tiếp tục vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh còn có những con người đặc biệt, có người đã từng gắn bó với ông trong thời chiến tranh. Đó là ông Nguyễn Hồng Thái - người cận vệ đã theo Đại tướng gần 40 năm cho tới tận ngày ông nghỉ hưu. Hiện ông đang sống cùng gia đình tại TP.HCM.

Hay như ông Nguyễn Văn Tòng, 90 tuổi, nhớ về người thủ trưởng cũ của mình là một vị tướng giỏi.

Ông Tòng cho biết, sau năm 1975, khi ông Sáu Nam là Tư lệnh Quân khu 9, ông Tòng là Phó chính ủy quân khu. Sau này, ông Tòng chuyển sang công tác trong ngành văn hóa, còn ông Sáu ra trung ương, khi trở lại TP.HCM vẫn thường gặp gỡ những người đồng chí, đồng đội cũ của mình.

"Ông ấy là một vị tướng giỏi. Tôi nhớ ông đến suốt đời" - ông Tòng nói.

Một số hình ảnh tại lễ viếng:

Xúc động những dòng tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh - Hình 6Xúc động những dòng tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh - Hình 6

                 Bà Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM đến viếng và viết sổ tang chia buồn

(Ảnh: HOÀNG GIANG)

Xúc động những dòng tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh - Hình 7

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế viết sổ tang. (Ảnh: HOÀNG GIANG)

Xúc động những dòng tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh - Hình 8

Đoàn tăng ni, phật tử đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh. (Ảnh: HOÀNG GIANG)

 Xúc động những dòng tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh - Hình 9

Trung tướng Lê Nam Phong (người ngồi ghế), nguyên Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 7 (Quân đoàn 4) đến viếng 

(Ảnh: HOÀNG GIANG)

Theo Tá Lâm (Plo.vn)