Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hoá thế giới. Người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.
Vì thế, tên gọi Hồ Chí Minh được bạn bè quốc tế nhắc đến với sự cảm phục, ngưỡng mộ. Đó là sự thật, là minh chứng khẳng định giá trị và tầm vóc trong di sản tư tưởng mà Người đã để lại cho nhân loại. Đồng thời, cũng là cơ sở đập tan những luận điệu, công kích, xuyên tạc cuộc đời và thân thế, sự nghiệp Hồ Chí Minh.
GS.TS Mạch Quang Thắng, Giảng viên Cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có những quan điểm rất rõ ràng về các vấn đề trên.
Sau khi hệ thống mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, xuất hiện những quan điểm cho rằng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam do Đảng và Bác Hồ lựa chọn là không đúng với xu thế lịch sử. Giáo sư có bình luận như thế nào về quan điểm này?
Giáo sư Mạch Quang Thắng: Việc lựa chọn mục tiêu và con đường phát triển của một dân tộc là chuyện rất hệ trọng, vì "sai một ly đi một dặm". Mục tiêu phát triển của dân tộc Việt Nam mà Bác Hồ đã lựa chọn đó là con đường đi tới chủ nghĩa cộng sản, mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội.
Nói Bác Hồ lựa chọn thì đúng rồi, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, đó là sự lựa chọn của lịch sử Việt Nam. Khi các phong trào cứu nước theo các hệ tư tưởng phong kiến, hệ tư tưởng tư sản bế tắc, không tiêu biểu cho xu hướng phát triển của dân tộc Việt Nam nữa thì xuất hiện một xu hướng mới, đó là xu hướng cứu nước theo hệ tư tưởng vô sản.
Xu hướng này đáp ứng được nhu cầu phát triển của dân tộc Việt Nam. Bác Hồ là người tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự phát triển của dân tộc.
Có thể hiện nay một số người cho rằng, con đường đó là sai lầm, là cụt. Việc đó tuỳ nhận thức của từng người. Có thể hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây có khiếm khuyết này, khiếm khuyết nọ, hay là hiện nay nước ta có điểm này, điểm nọ chưa tốt trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng không thể vì thế mà nói rằng con đường lựa chọn của Bác Hồ là sai.
Bác Hồ được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hoá thế giới. Tuy nhiên, nhiều đối tượng có ý đồ xấu, mục đích xấu lại tung ra các bài viết, các ý kiến hoài nghi về sự thật này. Là người có nhiều năm nghiên cứu về Bác Hồ và đã trực tiếp viết cuốn sách “UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Giáo sư có thể cho biết rõ hơn về sự kiện quan trọng này?
Giáo sư Mạch Quang Thắng: Tôi là một trong những người nghiên cứu về Bác Hồ. Chúng ta đọc văn bản, biên bản hồ sơ của UNESCO hiện nay đang lưu giữ ở Paris - đây là trụ sở của UNESCO. Bản này đã gửi cho chúng ta, Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ.
Tổ chức UNESCO sử dụng 6 ngôn ngữ chính thức gồm: Pháp, Anh, Nga, Ả rập, Hán và Tây Ban Nha. Nghị quyết này trong phiên họp đó có tôn vinh 6 người, Bác Hồ là 1 trong 6 danh nhân đó.
Nghị quyết ghi rất rõ, ở đoạn đầu tiên: “Việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế, góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới”.
Sau khi có đoạn đó, năm 1990 đánh dấu 100 năm kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Hai đoạn trong nghị quyết của UNESCO cho thấy, UNESCO tôn vinh Bác Hồ là Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, và nằm trong khung đoạn đầu tiên: “Đây là kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế”. Lời rất rõ và trong văn bản lưu trữ ghi rất rõ như vậy.
Bác Hồ là danh nhân văn hoá thế giới, là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam và nhân loại. Vậy thì những ai xuyên tạc, xúc phạm Bác Hồ cũng chính là xúc phạm đến danh nhân văn hoá thế giới và xúc phạm đến toàn thể dân tộc Việt Nam, thưa ông?
Giáo sư Mạch Quang Thắng: Đúng vậy. Việc có một số người, không phải bây giờ và cũng không phải từ khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, mà trước đó họ cũng có ý kiến này, ý kiến nọ đến nhiều danh nhân quốc tế, trong đó có xúc phạm đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng ta biết rằng, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ gắn liền với dân tộc Việt Nam, hay nói cách khác gắn liền với sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Trong điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc sáng mùng 9/9/1969, do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc, có một đoạn tôi rất tâm đắc. Đoạn đó viết là “Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông, đất nước ta".
Như vậy, nói đến Việt Nam là nói đến Hồ Chí Minh và ngược lại nói đến Hồ Chí Minh là nói đến Việt Nam. Xúc phạm tới Hồ Chí Minh là xúc phạm đến toàn thể nhân dân chúng ta và xúc phạm đến danh nhân văn hóa quốc tế. Đó là điều không thể chấp nhận được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được cả nhân loại tôn vinh, ngợi ca và ngưỡng phục. Vì sao mà vẫn còn một số người lại cố tình xúc phạm Bác Hồ như vậy?
Giáo sư Mạch Quang Thắng: Những người như thế là những người nhắm mắt làm ngơ, vì họ có cái tâm không lành. Khi mà con người ta tâm không lành, thì nhìn sự việc nó méo mó.
Đại thi hào Nguyễn Du có viết “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Cái tâm quan trọng lắm. Cái tâm của anh không lành thì nhìn sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của chúng ta là xấu, nhìn sự nghiệp chống Pháp là không nên, nhìn sự nghiệp đổi mới là đầy màu đen.
Tâm không lành thì đương nhiên mục đích và ý đồ của họ cũng đầy màu đen, thưa Giáo sư?
Giáo sư Mạch Quang Thắng: Đúng vậy! Việc này cũng giống như đến ngày kỷ niệm thành lập Đảng, ngày Giải phóng miền Nam 30/4, hay chuẩn bị đến ngày Quốc khánh 2/9 thì rộ lên trên các phương tiện thông tin, trên mạng xã hội, trên Internet, trên chỗ này, chỗ nọ, họ công kích sự nghiệp cách mạng của chúng ta, nói xấu Đảng, nói xấu Bác Hồ.
Cái đích của họ nhắm đến là dễ hiểu thôi. Họ phủ nhận sự thật lịch sử, muốn lái đất nước đi theo mục tiêu con đường khác, không chấp nhận chế độ chính trị hiện hành. Cho nên họ phủ nhận lịch sử, phủ nhận công lao của Bác Hồ. Và như vậy, họ không có tấm lòng với đất nước.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Theo Chương trình Phát thanh Quân đội Nhân dân