Huyện Yên Phong có 2 nền tảng quan trọng để trở thành đô thị công nghiệp công nghệ cao, tăng khả năng thu hút dân cư vào đô thị: Một là đầu mối giao thông quan trọng của 2 tuyến cao tốc huyết mạch vùng thủ đô: Hà Nội - Hạ Long và Hà Nội - Thái Nguyên; Thứ 2, nếu Bắc Ninh nằm tại vị trí chiến lược trong tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh thì huyện Yên Phong được coi là thủ phủ công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh.
Mở rộng không gian đô thị
Với mục tiêu tăng tỷ lệ đô thị, huyện Yên Phong cũng quan tâm mở rộng, phát triển các khu đô thị và các điểm dân cư tập trung từng bước hiện đại.
Hiện tại, huyện đang tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Chờ và phụ cận (đô thị Yên Phong), huyện Yên Phong đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 mà UBND tỉnh vừa phê duyệt. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch được điều chỉnh từ khu vực thị trấn Chờ và phụ cận (bao gồm thị trấn Chờ và các xã Yên Phụ, Trung Nghĩa, Đông Tiến) lên toàn bộ ranh giới địa chính của huyện với diện tích quy hoạch hơn 9.690 ha.
Mục tiêu quy hoạch là xây dựng đô thị Yên Phong đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm cơ sở thành lập thị xã trước năm 2025; là khu vực phát triển đô thị công nghiệp, dịch vụ; trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp phụ trợ; trung tâm phát triển thương mại dịch vụ phục vụ cho công nghiệp, là trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa của tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, nhiều khu đô thị quy mô lớn như: Khu đô thị Kim Đô Policity với tổng diện tích giai đoạn 1 là 246ha, sẽ mở rộng lên 500ha tại xã Yên Phụ; Khu đô thị mở rộng thị trấn Chờ diện tích 75ha; quy hoạch chung khu vực phía Đông huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (4.571 ha); quy hoạch chi tiết Khu đô thị, du lịch văn hóa, dịch vụ tổng hợp Five Build (100ha)... được huyện Yên Phong phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa vào khai thác, hoạt động, nâng tỷ lệ đô thị hóa của huyện.
Tập trung xây dựng hạ tầng, đô thị vệ tinh quanh khu công nghiệp
Theo báo cáo kết quả công tác quý III/2022 và nhiệm vụ Qúy IV/2022 của phòng kinh tế và hạ tầng huyện Yên Phong, những tháng đầu năm, UBND huyện Yên Phong đã tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, đồng thời hình thành những khu đô thị và tuyến đường mới bao quanh khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hiện đại hóa hạ tầng cơ sở.
UBND huyện phấn đấu, đến năm 2025, sẽ hình thành khu vực nội thị dọc theo các trục đường QL.18, ĐT.295, ĐT.286 gắn với các KCN Yên Phong, KCN Yên Phong mở rộng, KCN Yên Phong II và các làng nghề bao gồm thị trấn Chờ và các xã Trung Nghĩa, Yên Phụ, Văn Môn, Đông Thọ, Long Châu, Đông Phong, Yên Trung, Đông Tiến; Khu vực ngoại thị là khu vực dân cư nông thôn với chức năng chính là phát triển công nghiệp, nông nghiệp phục vụ công nghiệp và các dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch gồm các xã Tam Giang, Hòa Tiến, Thụy Hòa, Dũng Liệt, Tam Đa.
Giai đoạn 2025-2035, đô thị Yên Phong dự kiến phát triển theo mô hình cấu trúc quận tập trung với các trung tâm dịch vụ công cộng lớn, đa năng, bảo tồn các giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, chú trọng chỉnh trang, xây mới vùng kiến trúc, cảnh quan, các trục không gian chính, quảng trường, cửa ngõ đô thị, điểm nhấn đô thị và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan.
Việc quy hoạch, phát triển đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ ở huyện Yên Phong thực chất là việc hình thành đô thị công nghiệp Yên Phong vừa giải quyết bài toán về nhu cầu an sinh: nhà ở, tiện ích xã hội,... cho người lao động trong các KCN, CCN vừa giải quyết song hành về các vấn đề đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của KCN, CCN, gắn kết việc phát triển KCN, CCN với quá trình đô thị hóa; góp phần phân bố dân cư hợp lý tại các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều KCN, CCN giảm áp lực cho các đô thị trung tâm, phát triển thành đô thị công nghiệp thông minh, bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi hướng đến mục tiêu thành lập thị xã Yên Phong vào năm 2025.
Bá Đoàn