- Ông có thể cho biết thực trạng việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam thời gian qua?
- Hiện nay, nhiều ngành nghề sản xuất trong nước đang phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu từ nước ngoài để sản xuất, trong đó có phế liệu. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Trong đó, các nhóm phế liệu như: Sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ cát có khối lượng tăng gấp 2-3 lần tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016. Đặc biệt, 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng phế liệu nhựa nhập khẩu tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017.
- Thực tế cho thấy, phế liệu nhập khẩu đang bị tồn đọng ở nhiều cảng, ông cho biết rõ hơn về tình trạng này?
- Qua công tác kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng biển của TP Hồ Chí Minh; một số cảng khác như: Cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép cũng có tồn đọng phế liệu nhưng không nhiều. Tính đến ngày 26-6-2018, lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý là 4.480 container, trong đó riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container - chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam. Tại các cảng của TP Hải Phòng, có 737 container tồn đọng quá hạn hơn 90 ngày và 507 container tồn đọng từ 30 đến 90 ngày.
Động cơ cũ nát bị Hải quan thu giữ
- Vậy, đâu là nguyên nhân khiến việc nhập khẩu phế liệu tăng mạnh cùng tình trạng tồn đọng một lượng lớn ở các cảng như vậy?
- Có thể thấy, do xuất phát từ nội tại nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh kéo theo nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước tăng cao. Ngoài ra, từ cuối năm 2017, Trung Quốc đã ban hành quy định cấm nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, tái chế. Vì vậy, các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc nay phải tìm thị trường nhập khẩu mới, trong đó có Việt Nam.
Còn việc tồn đọng phế liệu ở các cảng là do nhiều chủ hàng, doanh nghiệp nhập khẩu chậm trễ hoặc không đến làm thủ tục thông quan do thiếu các giấy tờ hợp pháp. Bên cạnh đó, có hiện tượng gian lận thương mại, buôn lậu trong nhập khẩu phế liệu như giả mạo giấy xác nhận hoặc dùng giấy xác nhận của doanh nghiệp khác liên hệ với các hãng tàu để đưa hàng về Việt Nam. Một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế đã cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định nên không làm thủ tục, cơ quan Hải quan không liên hệ được để nhận hàng…
- Trước thực trạng trên, giải pháp xử lý trước mắt là gì, thưa ông?
- Việc quản lý phế liệu nhập khẩu liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy chế phối hợp liên ngành trong xử lý. Chúng ta cũng chưa có quy định pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với các chủ tàu, chủ hãng vận tải biển khi vận chuyển phế liệu nhập khẩu…
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan liên quan cần có văn bản thông báo rõ với các hãng tàu khi vận chuyển phải có đầy đủ thông tin, hồ sơ liên quan đến phế liệu nhập khẩu, nếu không, hãng tàu phải chịu trách nhiệm. Các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển trước khi cho tàu dỡ hàng là phế liệu nhập khẩu xuống cảng, phải kiểm tra xem số hàng đó có giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu không, nếu không có, cần kiên quyết không cho dỡ hàng và yêu cầu tái xuất lô hàng khi phát hiện sai phạm, gian lận thương mại…
- Về lâu dài, để quản lý chặt chẽ hơn việc nhập khẩu phế liệu vào nước ta, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải làm gì?
- Theo tôi, cần tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu, sớm rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phế liệu nhập khẩu theo hướng đồng bộ; tạo cơ chế quản lý, kiểm soát, phòng ngừa từ xa và ngoài biên giới đối với hoạt động thương mại nhập khẩu phế liệu. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để giám sát chặt chẽ, chia sẻ thông tin về các cơ sở nhập khẩu phế liệu từ khâu nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng phế liệu nhập khẩu…
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp liên ngành để ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt từ khâu nhập khẩu, vận chuyển đến sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất tại các doanh nghiệp; ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, buôn bán lậu phế liệu nhập khẩu…
Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét cho rà soát và sửa đổi Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg) theo hướng loại bỏ các phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc chủng loại phế liệu trong nước đã chủ động được nguồn cung.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo báo Hà Nội mới