Bài 1: Khi “vàng trắng” mất giá
Bài 2: “Đỏ đen” canh bạc… hồ tiêu
THCL Kinh doanh thứ gì, cho lãi tới 300% thì… có chết người ta cũng làm. Thực tế ở đây lãi cực khủng 500% - chắc chắn khó có thể ngăn được người nông dân trồng tiêu…
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trong khi có những nông dân trồng tiêu tỏ ra hồ hởi “sẵn sàng đầu tư mới, chỉ cần 3 năm thôi, nếu vì lý do nào đó buộc phải chặt cây cũng đã đủ lãi” thì ngược lại, đâu đó không ít nông dân điêu đứng vì cây tiêu…
Trồng 5.000 trụ tiêu (đã khai thác được 3 năm), nhưng bị dịch chết tới 4.000 trụ - quả là xót xa. Đó là câu chuyện buồn đối với gia đình chị Nguyễn Thị Tính ở xã Ia Hlốp (Chư Sê, Gia Lai). Chị nuối tiếc: “Nông dân như chúng tôi, trồng tiêu mong cải thiện đời sống, nhưng mà rủi ro quá trời. Không ít gia đình trồng tiêu đã trở nên khốn đốn, túng quẫn vì nợ nần chồng chất”.
Phát triển với diện tích ồ ạt , nhiều vùng tiêu chỉ có thể cho ra những sản phẩm kém chất lượng. Căn bệnh chết nhanh chết chậm hàng loạt, đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình trồng tiêu. Nông dân suy nghĩ, hễ cây bị bệnh thì tìm mua thuốc chữa, thuốc được tư vấn không đúng, sử dụng quá liều hay lạm dụng hóa chất nhằm thúc đẩy sản lượng… càng dẫn đến tiêu chết hàng loạt. Có những gia đình lụi bại vì cây tiêu. Biết bao nông dân vay nợ ngân hàng, đầu tư trồng tiêu phải mắc nợ.
Người nông dân chặt bỏ cao su, chuyển sang trồng hồ tiêu cho thấy họ đang “chạy đua” phát triển những cây trồng đang có giá cao trên thị trường. Tuy nhiên, chuyển đổi theo kiểu tự phát - sẽ khiến chính người nông dân phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn như sâu bệnh, cung vượt cầu, giá cả thay đổi, thị trường tiêu thụ, ô nhiễm môi trường… và kéo theo nhiều hệ lụy khác về sau.
TS. Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, đáng lo ngại là nhiều diện tích tiêu trồng trên đất không phù hợp, khiến vốn đầu tư tăng cao nhưng hiệu quả thấp, lại tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Việt Nam hiện chưa có vườn giống chuẩn, giống tiêu chỉ được tuyển lựa qua quá trình canh tác nên có hàng chục loại giống, lai tạp. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu, khó kiểm soát dịch. “Nguy hiểm là sau vài năm, cây tiêu mới đổ bệnh, lây lan nhanh và chết hàng loạt, đặc biệt do bệnh tuyến trùng hại rễ”, TS. Vinh nói.
Sản xuất sạch - chất lượng!
Các chuyên gia nhận định, một khi nguồn cung trên thế giới dư thừa, ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ… chết trước do tỷ lệ tiêu chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế trong tổng sản lượng dần xuống thấp.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo, phải lập tức ổn định diện tích, đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro.
Muốn vậy, các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng hay liên quan, các nhà khoa học cần vào cuộc - cung cấp những thông tin chuẩn về giống cây, cách chăm bón, kỹ thuật trồng, vùng đất nào thực sự phù hợp… thì mới mang lại hiệu quả.
Ngành nông nghiệp đã có những định hướng về vùng đất phù hợp trồng hồ tiêu (điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước tưới tiêu…). Theo đó, cần nhanh chóng xây dựng các vùng chuyên canh, vùng bảo đảm chất lượng… Thực hiện tốt điều này thì dù giá tiêu thế giới có xuống thấp cũng vẫn có lãi. Quy hoạch trong tương lai mang tính tổng thể, hướng thị trường, do thị trường điều tiết. Ngành nông nghiệp cũng cảnh báo về những rủi ro khi bị phá vỡ quy hoạch, để người nông dân khỏi bị sốc…
Về phía người nông dân, có thể cũng hình dung và nghĩ tới viễn cảnh - tình trạng suy giảm sản lượng hồ tiêu thời gian tới do dịch bệnh, một phần do ồ ạt trồng tiêu. Song bởi giá tiêu quá cao - càng khiến nông dân lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm ép hồ tiêu tăng năng suất. Điều này càng làm cho đất nhanh bạc màu, sâu bệnh hoành hành khiến tỷ lệ cây chết càng cao. Thực tế, tại nhiều nơi, đất trồng hồ tiêu đã bị ô nhiễm nặng. Do thiếu hiểu biết nên có nơi, nông dân vẫn tiếp tục trồng hồ tiêu bên những cây đã nhiễm bệnh…
Bài toán liên kết sản xuất nhằm tái cơ cấu, hướng tới sản xuất bền vững đang trở thành yêu cầu cấp bách của ngành tiêu. Nhưng người trồng tiêu muốn phát triển lâu dài, các DN muốn tồn tại, thì sản phẩm bán ra phải đủ độ tin cậy về chất lượng đến người tiêu dùng, cả trong nước và quốc tế. DN phải bắt tay - liên kết với nông dân, cùng với nông dân đặt ra bài toán, cũng như tự tìm cho mình câu trả lời: Làm cách nào để cho ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?
Phương châm “Sản xuất sạch - nâng cao chất lượng sản phẩm” (các tổ chức hiệp hội hồ tiêu quốc tế và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP - thực hành nông nghiệp tốt ở Việt Nam) đang là hướng đi tất yếu.
Hồ tiêu Việt Nam rất hấp dẫn, sản lượng lớn, đủ sức chi phối thị trường thế giới. Giá cả đang thuận lợi. Nhiều nông dân giàu lên… Song, ngành nông nghiệp - liệu rằng có tiếp tục phải chứng kiến sự chồi sụt lên xuống thất thường của cây hồ tiêu như nhiều loại cây - con khác, thiệt hại hàng tỷ USD? |
Xuân Phong (Thương hiệu & Công luận)