THCLBất chấp những khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước về sự rủi ro lớn có thể mang lại đối với cây hồ tiêu, nhiều vùng, nông dân ồ ạt chặt bỏ cao su trồng hồ tiêu. Cơn sốt đang lên đối với loại cây “nhà giàu”: một vốn năm lời!
Bài 1: Khi “vàng trắng” mất giá
Tây Nguyên, những cánh rừng cao su bạt ngàn bị chặt trụi làm trụ, trồng tiêu. Đông Nam Bộ - “thủ phủ” của cây cao su, loại cây công nghiệp từng được ví như “vàng trắng” một thời, nông dân đang ồ ạt… phá.
Hồ tiêu lãi lớn, nhà nhà trồng
Trồng cao su lỗ nặng, chặt bỏ!
Thôn Đoàn Kết, xã Chư Pơng (Chư Sê, Gia Lai),bà con chứng kiến cảnh ông Trần Đức Mạnh mua cả rừng cao su 2 ha, 7 năm tuổi, của một hộ dân rồi… chặt bỏ, trồng hồ tiêu.
“Nhiều người trồng cao su, thấy giá càng ngày càng xuống; tiền đầu tư mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, thuê thợ… còn được lời lãi chẳng bao nhiêu, có người đốn bỏ sạch, có người bán lại, người khác thì phạt ngọn, cành, lấy thân cây làm trụ cho cây tiêu leo bám. Cây tiêu lãi lớn quá, đâu đâu cũng rộ lên trồng. Mình cũng phải chớp thời cơ. Gia đình tôi đã có 1,6 ha hồ tiêu, trồng từ nhiều năm qua, nay sẽ bổ sung 2 ha trồng tiêu”, ông Mạnh giãi bày.
6 năm trước, gia đình anh N.V.H ở xã Ea Sol (EaH’leo, Đắk Lắk)hồ hởi - đã huy động mọi nguồn lực từ gia đình, lại vay mượn thêm bạn bè, mua 5 ha đất trồng cao su, với hy vọng khi cây cho mủ sẽ lấy lại vốn. Còn giờ đây, cây cao su đến tuổi cạo mủ, giá cứ giảm từng ngày, anh không dám thu hoạch vì biết chắc sẽ lỗ. Thay vào đó, anh đã chặt bỏ một nửa diện tích cao su để trồng tiêu.
Giá cao su liên tiếp giảm, trong khi giá hồ tiêu tăng ở mức cao, dao động từ 200.000 – 230.000 đồng/kg, khiến những vườn cao su rộng bạt ngàn, từ 3 – 7 năm tuổi, thời kỳ cạo mủ đều chung số phận bị phá bỏ.
Các tỉnh khu vực Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, hàng chục nghìn ha cao su biến mất:Đắk Nông,trên 1.360 ha; Tây Ninh, hơn 2.000ha; Bình Phước, gần 1.900 ha… Phần lớn cao su ở thời kỳ cho cạo mủ, bị chặt phá để thay thế bằng cây hồ tiêu hoặc thứ cây khác.
Tại những địa phương này, mặc dù các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người nông dân yên tâm chăm sóc, tuyệt đối không chặt bỏ những diện tích cao su sinh trưởng, phát triển tốt, được trồng bằng giống mới, cho mủ ổn định và nằm trong quy hoạch; songviệc chặt bỏ cao su,được người dân “hưởng ứng” nhiệt tình, dường như vẫn chưa có điểm dừng…
Hồ tiêu lãi lớn, nhà nhà trồng!
Thông tin,anh Đào Tiến Tình ở thị trấn Chư Sê (Chư Sê, Gia Lai), trồng tiêu cho thu hoạch và lãi khủng - trở thành một đại gia giàu có trong vùng, mau chóng đến tai nhiều nông dân các vùng trồng tiêu.
Sau nhiều năm “tích cóp”, đến nay anh Tình sở hữu tới 25 ha hồ tiêu, trong đó, hơn 10 ha (ứng với 17.000 trụ tiêu) đang cho thu hoạch. Những niên vụ gần đây, giá hồ tiêu luôn dao động ở mức 170.000-230.000 đồng/kg, 10 ha hồ tiêu của anh Tình cho thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm.
Riêng niên vụ 2013 - 2014, gia đình anh Tình thu về sản lượng kỷ lục: 60 tấn tiêu (giá 230.000 đồng/kg). Số tiền lớn thu được, anh đầu tư mua thêm máy móc, xây dựng nhà kho, mua sắm phương tiện sản xuất… canh tác theo hướng công nghệ cao.
“Để vườn tiêu đạt năng suất cao và ổn định qua từng mùa, ngoài việc thường xuyên chăm sóc, tỉ mẩn đến từng trụ tiêu, chẳng khác nào chăm con mọn,tôiđã tự “chế” ra một loại phân hữu cơ (phân bò trộn với trấu, mùn cưa, tro mía, men vi sinh…), đưa vào ủ một thời gian - cho ra một loại phân rất tốt đối với cây tiêu”, anh Tình chia sẻ.
Có một thực tế đó là tại huyện Chư Sê, người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu, địa phương đang bão hòa về diện tíchtrồng thứ cây này.
Tại huyện Đăk Song (Đắk Nông),ước tính có khoảng 8.000 ha hồ tiêu, trong đó diện tích trồng mới từ năm 2014 đến nay khoảng 3.000 ha. Huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), nông dân trồng mới khoảng 1.000 ha hồ tiêu.
Thậm chí, tại các huyện Đăk Đoa, Mang Yang, Chư Prông (Gia Lai), vốn dĩ không phải đất truyền thống trồng tiêu, song hàng nghìn ha hồ tiêu vẫn mọc lên.Một người dân ở Chư Sê (Gia Lai) cho biết, những vùng đất trồng tiêu từ lâu đời, cây dễ bị bệnh, vì thế, đã tìm đến địa phương khác để mua đất trồng tiêu. Bởi theo họ, vùng đất mới cây tiêu có thể sinh trưởng tốt và ít bị nhiễm bệnh…
Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay, diện tích cao su cả nước đã tăng hơn 2 lần(gần 960.000 ha)so với năm 2004. Do người dân chạy theo thị trường, không theo quy hoạch, dẫn tới cung vượt cầu và rồi điệp khúc trồng - chặt - trồng liên tục diễn ra.Giai đoạn 1990 - 2000, đã xảy ra tình trạng chặt bỏ cây cao su đồng loạttại nhiều vùng, sau đó giá tăng trở lại - khiến người trồng phải trả giá đắt… |
Bài 2: Trồng tiêu: Một vốn năm lời
Xuân Phong (Thương hiệu & Công luận)