Bài 6 - Quảng Ninh về Sáu

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tổng thu NSNN đạt trên 55.600 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, từ đầu năm, Ban Chỉ đạo tăng cường NSNN tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị, chủ động ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thu chi ngân sách…  

Theo đó, UBND tỉnh triển khai 7 kế hoạch về quản lý thuế trên địa bàn; chủ động bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Triển khai nhiều giải pháp - thu ngân sách đạt hiệu quả

Xác định thu ngân sách nhà nước có vai trò quan trọng, đảm bảo nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thu ngân sách đạt hiệu quả.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng - tốc độ tăng trưởng (GRDP) 9,02%, xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng,

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, ước đạt 30.774 tỷ đồng, bằng 58% dự toán Trung ương giao, bằng 55% dự toán tỉnh giao, tăng 6% so cùng kỳ 2023. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 9.450 tỷ đồng, bằng 76% dự toán Trung ương giao, bằng 73% dự toán tỉnh giao, tăng 21% so cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 21.324 tỷ đồng, bằng 52% dự toán Trung ương giao, bằng 50% dự toán tỉnh giao, tăng 1% so cùng kỳ.

Bên cạnh nhiệm vụ thu ngân sách, lãnh đạo Cục Thuế yêu cầu cán bộ, công chức giữ vững kỷ luật, kỷ cương

Hoạt động xuất nhập khẩu, từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan cùng các sở, ngành, địa phương đã chủ động tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp nắm bắt tình hình sản xuất; hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các thủ tục thông quan được giải quyết thuận lợi, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 1,549 tỷ USD, bằng 51,6% kế hoạch giao (kế hoạch năm 2024 thu hút 3 tỷ USD); trong 6 tháng, toàn tỉnh có 22 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng trị giá gần 1,4 tỷ USD; có 16 dự án điều chỉnh tăng vốn lên 199 triệu USD.

Quảng Ninh thu hút trên 8.500 tỷ đồng từ vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước có vốn ngoài ngân sách. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 795 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,6% so cùng kỳ 2023; có 430 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5,1% so cùng kỳ…

Hộ kinh doanh, doanh nghiệp kê khai nộp thuế tại Chi cục Thuế khu vực Cẩm Phả - Vân Đồn - Cô Tô (Ảnh: Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh)

Đạt được sự tăng trưởng như trên, thời gian qua, tỉnh tiếp tục tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ các nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Mở rộng các cơ sở thu và khai thác hiệu quả những nguồn thu còn dư địa, tiềm năng.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.

Đánh giá theo sức thuế, thoản thu, hiện có 13/16 khoản thu dự kiến đạt tốc độ bình quân, gồm: Thu từ doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý, thu thuế thu nhập cá nhân, thu lệ phí trước bạ, thuế bảo vệ môi trường...

Hoạt động sản xuất, kinh doanh than tại Công ty Tuyển than Cửa Ông

Tuy nhiên, còn 3 khoản thu không đạt tốc độ bình quân (thu tiền sử dụng đất; tiền thuê mặt đất, mặt nước; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, vùng trời, vùng biển), trong đó thu tiền sử dụng đất trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1.700 tỷ đồng, bằng 21% dự toán.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu ngân sách 2024

Để hoàn thành mục tiêu thungân sách nhà nước những tháng còn lại của năm, các cơ quan, đơn vị cần tập trung vào các khoản thu có tiến độ tốt như thu từ doanh nghiệp FDI, khu vực ngoài quốc doanh, các loại phí, lệ phí…; đồng thời, đẩy mạnh thu từ ngành than, sau khi giá than được điều chỉnh, duy trì vai trò là khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong thu nội địa.

Các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đảm bảo nguồn thu; đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn, đến hạn phải nộp, các khoản nợ đọng thuế, xử lý doanh nghiệp nợ thuế vào các khoản nghĩa vụ tài chính NSNN; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, phấn đấu hết năm 2024, tổng thu NSNN toàn tỉnh đạt 55.600 tỷ đồng theo chỉ tiêu đề ra.

Thành phố Hạ Long - một trong những địa phương đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước

Với kết quả thu đạt như hiện tại, từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh phải thu tối thiểu 24.824 tỷ đồng để kết thúc năm 2024, tổng số thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 55.600 tỷ đồng - đúng như tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27/11/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 185/NQ-HĐND (ngày 9/12/2023) của HĐND tỉnh. Đây là số thu lớn, có nhiều thách thức trong những tháng cuối năm khi mà ngày 17/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2024.

Từ những đánh giá, phân tích thuận lợi, khó khăn trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế, Cục Hải quan, các địa phương, chủ động rà soát, triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý thu theo 7 kế hoạch của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý thuế, trên các lĩnh vực. Trên cơ sở kết quả giám sát về thu ngân sách nhà nước của HĐND tỉnh, các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai các giải pháp về thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí.

Cán bộ hải quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp

Cục trưởng Hà Văn Trường cho biết:

“Cục Thuế đánh giá những tác động của chính sách miễn giảm thuế, theo Nghị định số 64/NĐ-CP của Chính phủ, để có phương án cân đối, thu bù đắp phù hợp. Trong đó, tập trung tiển khai:

Các sắc thuế đang có tiến độ thu tốt như thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực ngoài quốc doanh,  thu từ phí, lệ phí, thuế thu nhập cá nhân…;

Thu các dự án đang nợ đọng thuế, hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh để kịp thời quản lý thu các khoản thuế đầy đủ vào NSNN;

Kiên quyết xử lý các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về tháo gỡ khó khăn trong thu tiền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường - được giao chủ trì, đang tích cực thực hiện rà soát, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá đất để tổ chức thực hiện đấu giá, nhất là 6 dự án có tính khả thi (Dự án Hạ Long Xanh; Dự án Công viên Đại Dương; Dự án Khu đô thị Nam Sơn Vân Đồn; Khu công viên nghĩa trang TX. Đông Triều; TX. Quảng Yên; TP. Uông Bí).  

Sở Tài nguyên và Môi trường, tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn trong việc thuê tư vấn, xây dựng giá đất, đấu giá, giao đất, triển khai thực hiện dự án, đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất, xây dựng kế hoạch cụ thể về thu tiền sử dụng đất của các dự án.

Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) giám sát hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu

Trước thực trạng hụt thu tiền sử dụng đất, các địa phương trong tỉnh đang triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn vốn cân đối cho chi đầu tư phát triển; thực hiện rà soát các nguồn vốn hợp pháp khác từ tăng thu, kết dư để báo cáo HĐND cùng cấp để bù đắp; rà soát, cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết bổ sung vốn đầu tư công…

Theo lãnh đạo Sở Tài chính, nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2024, với những tháng còn lại của năm, các cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch thu, sẽ tập trung thu các khoản thu có tiến độ tốt (thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; các loại phí, lệ phí); đẩy mạnh thu từ ngành than, sau khi giá than được điều chỉnh, duy trì vai trò là khoản thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu nội địa.

Thủy Hương