THCL Năm 2016 đã kết thúc với nhiều sự kiện nổi bật - vẽ lên một bức tranh đa sắc của nền kinh tế Việt Nam. Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng về chủ đạo, kinh tế Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu cải thiện cả ở góc độ sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.
1. Năm quốc gia khởi nghiệp
“Khởi nghiệp” đã trở thành từ khoá của năm 2016. Theo đó, thông điệp, mục tiêu về một quốc gia khởi nghiệp đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từ những phiên họp đầu tiên, kể từ khi Chính phủ mới được kiện toàn hồi tháng 5 năm nay.
Hình minh họa
“Chính phủ tôn vinh doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển; đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân; bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân; tạo niềm tin mạnh mẽ hơn vào thị trường. Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại - có gây khó cho doanh nghiệp không?”, Thủ tướng cho biết.
Theo đó, trong năm 2016, Nhà nước cam kết hỗ trợ mạnh mẽ các startup. Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể để tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và thành công. Các chính sách, thể chế đang được hoàn thiện để startup có thể tiếp cận nguồn tín dụng, có môi trường kinh doanh thuận lợi.
Mặt khác, các chính sách cũng đang hướng tới việc thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư “thiên thần”; xây dựng các trung tâm hỗ trợ thông tin khởi nghiệp.
2. Môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016, Việt Nam xếp thứ 82/190 quốc gia về mức độ dễ dàng kinh doanh, tăng 9 bậc so với năm ngoái.
Các tiêu chí mà WB đánh giá gồm thành lập doanh nghiệp, xin cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, vay vốn, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, nộp thuế, giao thương quốc tế, thực thi hợp đồng, xử lý khi mất khả năng thanh toán...
Năm nay, Việt Nam đã cải thiện được một số tiêu chí như tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, nộp thuế và giao thương quốc tế. Trong đó, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ có sự cải thiện thứ hạng lớn nhất.
Trong những năm vừa qua, xếp hạng của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Nếu năm 2012, Việt Nam chỉ đứng 99/183 thì đến năm 2014 đã xếp 93/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến năm 2015, thứ hạng này tiếp tục được cải thiện, xếp thứ 91 và tiếp tục tăng 9 bậc, xếp thứ 82 vào năm nay.
Nhờ đó, trong 11 tháng, cả nước đã có 101.683 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng số doanh nghiệp hoạt động vào thời điểm cuối tháng 11 lên cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
3. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành sản xuất
Trong năm 2016, nhìn vào chỉ số quản trị mua hàng PMI – một chỉ số tổng hợp về tình trạng sản xuất có thể thấy Việt Nam đang có sự tăng vọt mạnh mẽ ở ngành sản xuất.
Chính phủ tôn vinh - kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển
Theo thống kê, từ đầu năm đến tháng 11/2016, chỉ số PMI Việt Nam luôn ở trên mức 50 điểm, vốn là định mức an toàn đối với ngành sản xuất. Mặt khác, ở tháng 11, chỉ số PMI Việt Nam đã tăng vọt lên 54 điểm, cao nhất trong 1,5 năm qua.
Trái ngược với tình hình khả quan ở Việt Nam, chỉ số này các nước như Thái Lan, Malaysia liên tục giảm trong nhiều tháng, dưới cả định mức an toàn.
4. Cán cân thương mại khả quan
Báo cáo của CEL Consulting- Công ty tư vấn quản lý chuỗi cung ứng, logistics tại khu vực Đông Nam Á cho biết tính đến cuối tháng 11/2016, Việt Nam không bị thâm hụt cán cân thương mại xuất nhập khẩu. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5% trong khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 156,6 tỷ USD, tăng 3,5%. Cán cân thương mại của cả 11 tháng hiện đang dừng ở mức xuất siêu 2,9 tỷ USD.
Ông Pieter Pennings, Giám đốc CEL Consulting cho rằng, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đang là điểm sáng trong bối cảnh lạm phát 10 tháng đầu năm tăng 2,27% so cùng kỳ năm ngoái, kèm theo GDP và giá trị bán lẻ tăng trưởng có phần chậm lại.
5.Tổng thống Mỹ Obama sang thăm Việt Nam
Hồi tháng 5 năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên trong 2 nhiệm kỳ nhằm củng cố chính sách xoay trục sang châu Á, thắt chặt quan hệ về an ninh, kinh tế với một số đối tác đang có vai trò quan trọng trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam
Tổng thống Mỹ đã gặp gỡ, hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam, có bài phát biểu quan trọng về quan hệ Việt – Mỹ, tiếp xúc với thành viên Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á và cộng đồng doanh nhân.
Bên cạnh những quyết định mang tính bước ngoặt về chính trị, ngoại giao giữa hai nước, chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ Obama đã mở ra những cơ hội mới cho kinh tế Việt Nam.
6. Sự cố gây Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền Trung
Vụ vi phạm xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, gây hậu quả nặng nề đối với sản xuất và đời sống người dân, ước tính có khoảng 50.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp và 176.334 người phụ thuộc.
Vụ việc Formosa cũng làm dấy lên mối tương quan giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
7. Nông nghiệp gặp khó chưa từng thấy trong suốt 6 năm qua
Theo ghi nhận, nông nghiệp đã thoát khỏi tăng trưởng âm, đạt 0,05% trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, về tổng thể, khu vực nông nghiệp vẫn đang ở trạng thái thấp nhất trong 6 năm qua, chỉ đạt 6,19%. Cả năm, GDP từ nông nghiệp chỉ tăng trưởng 1,2%.
Nguyên nhân khiến cho ngành nông nghiệp gặp khó là thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, hạn hán diễn ra liên tục. Riêng đối với thuỷ sản, ngoài những khó khăn như rét đậm, rét hại ở những tháng đầu năm thì tình trạng ô nhiễm nguồn nước hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long thì sự cố Formosa cũng ảnh hưởng rất lớn.
8. Tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu
Tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2016 dự kiến đạt 6,3 – 6,5%, không đạt chỉ tiêu 6,7% đặt ra cũng như mục tiêu trung bình của nhiệm kỳ (từ 6,5 – 6,7%). Nguyên nhân khiến đà tăng trưởng bị kìm hãm là sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, hạn hán, sự cố môi trường…
Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng khi Chính phủ đã hoàn thành được 11/13 chỉ tiêu đã được Quốc hội giao như giữ tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo, huyện nghèo; nâng tỷ lệ khu công nghiệp…
9. TPP không được thông qua
Việc ông Donald Trump, người thể hiện rõ sự hướng nội và có động thái được xem là không thân thiện với tự do hoá thương mại - đã khiến số phận của Hiệp định TPP đang đi vào “ngõ cụt”.
Trước đó, với việc sẽ gia nhập vào TPP, Việt Nam kỳ vọng đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu và thay đổi cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Theo tính toán, TPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm khoảng 68 tỷ USD vào năm 2025.
Tham gia vào TPP - sẽ tạo điều kiện để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thu hút được dòng FDI với giá trị lớn hơn và công nghệ cao hơn…
Do đó, biến cố TPP không được thông qua khiến nhiều người lo ngại sẽ tác động không tốt đến kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban ngành đều khẳng định, dù không có TPP, Việt Nam vẫn hội nhập sâu rộng, vẫn phát triển mạnh mẽ.
10. Dệt may Việt Nam tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm
Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may năm 2016 đã không đạt mục tiêu. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 5,2%, thấp nhất trong 10 năm gần đây. Nguyên nhân được đưa ra là do tổng cầu thế giới yếu, giá sản phẩm giảm…
Xuất khẩu của toàn ngành dệt may năm 2016 đã không đạt mục tiêu
Khó khăn không chỉ đến với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà ngay cả các công ty lớn cũng gặp nhiều bất lợi. Các nhà nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu đều có xu hướng giảm lượng nhập khẩu ở Việt Nam và tìm đến thị trường có lao động, thuế quan rẻ hơn như Bangladesh, Myanmar hay Campuchia.
Một khó khăn khác của ngành dệt may đó là chính sách giữ tỷ giá của đồng Việt Nam ổn định hơn so với một số ngoại tệ, đã khiến hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ...
Năm 2017, theo các chuyên gia dự báo, ngành dệt may Việt Nam vẫn sẽ đối diện với những khó khăn khi lực cầu chưa được cải thiện. Tuy nhiên, mục tiêu của kim ngạch xuất khẩu của ngành đặt ra là 30,5 tỷ USD.
Ngọc Linh (T/h)