Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

10 sự kiện nổi bật của Tổng cục Hải quan năm 2023

Công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy của ngành Hải quan đã đạt kết quả ấn tượng; Thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hải quan mang lại nhiều kết quả rõ nét, thực chất; Đẩy mạnh thực hiện giai đoạn II Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật Hải quan… là những sự kiện nổi bật của Tổng cục Hải quan năm 2023.

Sự kiện 1: Hải quan Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đăng cai tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 với hơn 1000 đại biểu đến từ 95 quốc gia

Năm 2023 ghi nhận dấu mốc quan trọng của Hải quan Việt Nam trong việc hợp tác với Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 của WCO tại Hà Nội, Việt Nam. Hội nghị là một trong những sự kiện quan trọng nổi bật có phạm vi toàn cầu được tổ chức thường niên của Tổ chức Hải quan Thế giới.

Được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với WCO đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 của WCO từ ngày 10 – 12/10/2023 tại Hà Nội với chủ đề “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, Thúc đẩy đổi mới và Nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp”. Sự kiện có quy mô toàn cầu thu hút hơn 1000 đại biểu đến từ 95 quốc gia, bao gồm đại biểu đến từ các Cơ quan Hải quan thành viên WCO, các Cơ quan Bảo vệ Biên giới của các nước, các Tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các Doanh nghiệp đa quốc gia cung cấp các giải pháp công nghệ về hải quan. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan vinh dự được đón Lãnh đạo Chính phủ đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị và Lãnh đạo các Bộ, Ngành có liên quan đến dự Hội nghị.

Hội nghị được các đại biểu tham dự ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện được vai trò của nước chủ nhà Việt Nam thông qua việc xây dựng chương trình, nội dung, tổ chức, tuyên truyền. Hội nghị đã mang đến cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn các thông lệ tiên tiến của các cơ quan hải quan trên thế giới, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp đa quốc gia trong việc ứng dụng các công nghệ mới nổi, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, máy học, internet vạn vật...., góp phần quảng bá, giới thiệu đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, mến khách cũng như những nét văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của Việt Nam.

Tại Hội nghị, Hải quan Việt Nam có cơ hội giới thiệu về các nỗ lực chuyển đổi số, thực hiện Chính phủ số của Việt Nam nói chung và quá trình hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ của Hải quan Việt Nam nói riêng trong việc triển khai các nội dung chuyển đổi số, xây dựng hải quan thông minh, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của Hải quan Việt Nam.

Không gian triển lãm của Hải quan Việt Nam tại Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 125 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ trên thế giới với 48 gian hàng triển lãm giới thiệu các dịch vụ và sản phẩm công nghệ mới nhất có liên quan đến hoạt động hải quan trong tương lai với mục đích góp phần hỗ trợ giải quyết hiệu quả hơn các khó khăn thách thức về an ninh, giảm thiểu các nguy cơ đe dọa, thúc đẩy đổi mới, số hóa, đơn giản hóa thương mại toàn cầu, hỗ trợ cơ quan hải quan trong thực thi pháp luật một cách hiệu quả và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 của WCO một lần nữa khẳng định sự chủ động, quyết tâm của Hải quan Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển hải quan số, hải quan thông minh; góp phần thể hiện Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; phù hợp với chính sách đối ngoại, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước của Việt Nam.

Sự kiện 2: Công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy của ngành Hải quan đã đạt kết quả ấn tượng, bắt giữ được trên 2,8 tấn ma tuý các loại và 303 đối tượng

Trong năm 2023, tình hình tội phạm ma túy, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, không theo quy luật với thủ đoạn ngày càng tinh vi (thông qua thủ đoạn cất giấu, ngụy trang ma tuý thành hàng hóa, hành lý thông thường), liều lĩnh và manh động (mang theo người). Đối với tuyến đường bộ tập trung chủ yếu tại các các cửa khẩu biên giới giáp với Lào, các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Campuchia và các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Trung Quốc.

Đặc biệt, tuyến hàng không tình hình tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng cả số vụ việc, số lượng tang vật vi phạm, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ, trong đó có sự chuyển dịch từ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra Sân bay quốc tế Nội Bài sau đó vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt vào phía Nam với các loại ma túy tổng hợp, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa. Thủ đoạn cất giấu của chúng thường ngụy trang ma túy trong các gói kẹo, thực phẩm chức năng, thức ăn chó mèo, mỹ phẩm... Trong đó, xuất hiện hiện tượng mới các chất ma túy từ các nước quá cảnh đi Lào.

Dưới sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Lãnh đạo các cấp, cùng với sự nỗ lực của cán bộ, công chức hải quan, trong năm 2023 toàn ngành Hải quan (tính từ ngày 16/12/2022 đến 15/12/2023) đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ: 263 vụ/303 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 121 vụ. Tang vật thu được trên 2,8 tấn ma túy các loại gồm: 3,1 kg thuốc phiện, 108,7 kg cần sa, 112,8 kg heroin, 330,9 kg cocain, 1.547 kg ketamin và 14552 viên ketamin (dạng viên), 703 kg ma tuý tổng hợp, 4224 viên ma tuy tổng hợp (dạng viên), 10,1 kg ma tuý khác; 1155 viên ma tuý khác (dạng viên), 96,36 gram cỏ mỹ và 300 túi nước vui.

Công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy của ngành Hải quan đã đạt kết quả ấn tượng
Công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy của ngành Hải quan đã đạt kết quả ấn tượng.

Sự kiện 3: Kết quả nổi bật trong việc phối hợp bắt giữ 1.715 vụ vi phạm trong Chiến dịch Con rồng Mekong lần thứ V do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến

Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn 5 là chương trình hành động chung giữa các cơ quan Hải quan và các cơ quan thực thi pháp luật khác của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES trên các tuyến đường vận chuyển do Hải quan Việt Nam, Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến, khởi động từ năm 2018 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phòng chống ma túy Liên hợp quốc (UNODC), Văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á Thái Bình Dương (RILO AP).

Chiến dịch Con Rồng Mê Kông V được triển khai từ ngày 15/4/2023 đến ngày 16/11/2023 với sự tham gia của 25 cơ quan Hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế. Tổng số vụ bắt giữ được các nước thành viên báo cáo trong giai đoạn V là 1.715 vụ, tăng 111% so với Chiến dịch giai đoạn IV. Hải quan Việt Nam đã nghiêm túc triển khai Chiến dịch, đảm bảo vai trò của nước sáng kiến và điều hành chiến dịch.

Chiến dịch Con Rồng Mê Kông V tại Việt Nam với 40 đầu mối quốc gia gồm 38 đầu mối quốc gia thuộc lực lượng hải quan và 02 đầu mối thuộc lực lượng Công an đã cập nhật tổng số 123 vụ việc bắt giữ ma túy và động, thực vật hoang dã, tăng 2,15 lần so Chiến dịch giai đoạn IV. Hải quan Việt Nam đã tham gia xây dựng và phổ biến 17 cảnh báo và 01 báo cáo tổng kết đánh giá hoạt động triển khai các giai đoạn của chiến dịch cho toàn bộ các thành viên.

Kết quả triển khai của Chiến dịch qua 5 giai đoạn thực hiện từ năm 2018 - 2023 là kết quả rất đáng tự hào, được RILO AP đánh giá là một trong những Chiến dịch kiểm soát thành công nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với số lượng thành viên tham gia và số lượng vụ việc được cập nhật lên hệ thống thông tin chung của Chiến dịch (hệ thống CENCOmm).

Sự kiện 4: Tích cực, chủ động triển khai Kế hoạch chuyển đổi số hải quan đến năm 2025, nổi bật là xây dựng Hệ thống Công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan

Năm 2023, Tổng cục Hải quan đã không ngừng đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, với mục tiêu vừa tạo thuận lợi thương mại vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được coi là động lực mang tính quyết định, là chìa khóa dẫn đến thành công của cải cách hiện đại hóa ngành Hải quan trong thời gian vừa qua.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu tổng quát đến năm 2030 tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030: “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh”; các chính sách, chủ trương của Đảng, Chính phủ và Lãnh đạo các cấp về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Tổng cục Hải quan đã chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành Hải quan số; đến năm 2030 hoàn thành Hải quan thông minh.

Một trong những giải pháp chuyển đổi số quan trọng nhất mà ngành Hải quan đang tập trung triển khai hiện nay là chuyển đổi số trong lĩnh vực nghiệp vụ hải quan với nội dung cốt lõi là thực hiện tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan và xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số.

Trước mắt, từ nay đến năm 2025, Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 1957/QĐ-BTC ngày 15/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu các nghiệp vụ trong thông quan.

Sự kiện 5: Năm thứ 7 liên tiếp, Tổng cục Hải quan giữ vững thành tích đứng đầu về cải cách hành chính khối các đơn vị Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính; thực hiện 10 chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023

Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã được Chính phủ, các Bộ, Ngành và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một trong những cơ quan đi đầu trong cải cách, hiện đại hóa. Năm 2023 là năm thứ bảy liên tiếp Tổng cục Hải quan được Bộ Tài chính xếp hạng đứng đầu trong số các đơn vị khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) (theo Quyết định số 2664/QĐ-BTC ngày 01/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Kết quả đạt được cho thấy quyết tâm của ngành Hải quan trong nỗ lực CCHC nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, giảm chi phí và tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt kế hoạch CCHC theo tinh thần Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; tích cực quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác CCHC, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính để làm phương châm hành động, triển khai đồng bộ và toàn diện công tác CCHC trong toàn Ngành.

Tổng cục Hải quan đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách TTHC bao gồm: Tăng cường rà soát, đánh giá TTHC để bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện; cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hải quan (đến nay tổng số đề xuất cắt giảm giai đoạn 2020-2023 đạt 8%, cắt giảm chi phí tuân thủ đạt 10,2 tỷ đồng/năm); công bố và nghiên cứu, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL để phân cấp TTHC lĩnh vực Hải quan; tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá XNK; chú trọng triển khai công tác kiểm soát TTHC thông qua thực hiện đánh giá tác động của TTHC trong quá trình xây dựng văn bản QPPL góp phần quan trọng bảo đảm sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý của TTHC; niêm yết và công khai TTHC kịp thời tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động XNK.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đồng bộ về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan được triển khai nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa…

Sự kiện 6: Thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hải quan mang lại nhiều kết quả rõ nét, thực chất, góp phần khẳng định được vai trò và vị thế của Hải quan Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế

Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp, gắn liền với việc thực hiện các mục tiêu của ngành hải quan trong năm 2023, cụ thể là mục tiêu chuyển đổi số hướng tới hải quan số, hải quan thông minh, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế ngành Hải quan năm 2023 đã đạt được những chuyển biến sâu sắc và kết quả rõ nét thông qua các hoạt động hợp tác song phương đa dạng, đi vào chiều sâu, tập trung vào các nước trọng điểm, có quan hệ đối tác chiến lược hoặc toàn diện với Việt Nam; hợp tác đa phương hiệu quả, thực chất góp phần khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.

Về hợp tác song phương, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam, trong năm 2023, Hải quan Việt Nam tiếp tục mở rộng, củng cố và tăng cường hợp tác song phương với hải quan các nước đối tác, đặc biệt là các nước có quan hệ đối tác chiến lược hoăc chiến lược toàn diện, các đối tác có quan hệ kinh tế thương mại quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Hà Lan, Bỉ, Úc....

Một số kết quả nổi bật bao gồm: hoàn thành việc ký  Thỏa thuận triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác cấp Nhà nước trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Hà Lan nhân dịp Thủ tướng Hà Lan sang thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước; thống nhất kế hoạch làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Hoa Kỳ trong bối cảnh quan hệ hai nước được nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện thông qua việc triển khai thí điểm trao đổi thông tin hàng hóa giữa 01 cặp cảng biển lớn của Việt Nam và Hoa Kỳ; triển khai các hoạt động hợp tác nghiệp vụ với Trung Quốc về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như cửa khẩu thông minh, doanh nghiệp ưu tiên, Chiến dịch Con rồng Mê-kông 5...

Với mối quan hệ hợp tác song phương đã đạt được nền tảng nhất định về sự tin cậy lẫn nhau, trên cơ sở chia sẻ lợi ích và mục tiêu chung, cơ quan hải quan của nhiều nước đối tác đã đánh giá Việt Nam là đối tác hợp tác hiệu quả, trách nhiệm và thực chất và rất chú trọng tăng cường hợp tác và đặt Hải quan Việt Nam  là trọng tâm trong các sáng kiến hợp tác của mình.

Về hợp tác đa phương, Hải quan Việt Nam đã tích cực thể hiện vai trò, chủ động tham gia và đóng góp thiết thực vào các hoạt động hợp tác hải quan trên các diễn đàn hợp tác hải quan đa phương thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện các cam kết/nghĩa vụ trong khuôn khổ ASEAN, WCO, APEC, ASEM, GMS theo đúng lộ trình cam kết. Hải quan Việt Nam đã tham dự đầy đủ các hội nghị và các phiên làm việc trực tuyến của các ủy ban và nhóm chuyên môn, kỹ thuật trong các khuôn khổ hợp tác hải quan đa phương để đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong các cam kết hội nhập, góp phần tích cực vào quá trình cải cách hiện đại hóa theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả. Nổi bật có thể kể đến việc chủ trì đăng cai tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 của WCO tại Hà Nội; tham gia Nhóm Xây dựng Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2024-2026 của khu vực Châu Á Thái Bình Dương của WCO; hoàn thành việc đàm phán và ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên trong khuôn khổ ASEAN; tham gia điều phối thực hiện Chương trình hành động hải quan phối hợp về các chất nguy hiểm trong khuôn khổ ASEM; tham gia nhiều dự án, sáng kiến thiết thực cùng các nền kinh tế thành viên APEC....

Sự kiện 7: Ngành Hải quan tổ chức thành công 3 Hội nghị toàn quốc về quán triệt, triển khai công tác kiểm tra, giám sát hải quan, công tác quản lý thuế, công tác kiểm tra sau thông quan trong tình hình mới với sự tham gia của gần 8.000 cán bộ công chức, viên chức trong toàn Ngành

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tập trung, quyết liệt trong hành động, kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, xây dựng ngành Hải quan liêm chính gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Trong năm 2023, Tổng cục Hải quan đã tổ chức thành công 3 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quán triệt, triển khai công tác kiểm tra, giám sát hải quan, công tác quản lý thuế, công tác kiểm tra sau thông quan trong tình hình mới với sự tham gia của gần 8.000 cán bộ công chức, viên chức trong toàn Ngành, qua đó đã quán triệt các quy định pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về Hải quan; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Hải quan, công chức Hải quan các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan và triển khai các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

kiểm tra, giám sát hải quan
Kiểm tra, giám sát hải quan

Sự kiện 8: Đẩy mạnh thực hiện giai đoạn II Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật Hải quan, tăng 36% doanh nghiệp tham gia chương trình, hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu đề ra tại nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023 của ngành Hải quan

Năm 2023, với việc nỗ lực triển khai Chương trình hỗ trợ khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan, Giai đoạn 2 Chương trình tăng 36% số lượng DN thành viên so với năm 2022, vượt 16% chỉ tiêu đề ra theo Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31/01/2023.

Tính đến ngày 31/12/2023 cơ quan Hải quan đã ký kết biên bản ghi nhớ với 289 doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (Quyết định 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2022), cụ thể:

Trong giai đoạn 1 (năm 2022), cơ quan Hải quan đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ, đồng thời cùng xây dựng Kế hoạch hành động tự nguyện tuân thủ đối với 213 doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2, cơ quan Hải quan đã đôn đốc và hướng dẫn, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chủ động tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và ủng hộ. Kết quả, đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ đối với 76 doanh nghiệp, đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 theo Quyết định 123/QĐ-TCHQ ngày 31/01/2023, tăng trên 20% số lượng doanh nghiệp tham gia so với năm 2022.

Mức độ tuân thủ của doanh nghiệp thành viên tham gia chương trình cũng được cải thiện, trong đó 102 doanh nghiệp chiếm 35% trên tổng số doanh nghiêp tham gia được nâng mức độ tuân thủ, 141 doanh nghiệp chiếm 48 % trên tổng số doanh nghiệp tham gia duy trì mức độ tuân thủ, tuân thủ cao. Thực hiện hỗ trợ 228 vướng mắc của doanh nghiệp thành viên, giải quyết 100% các đề nghị hỗ trợ vướng mắc của các doanh nghiệp thành viên chương trình. Các doanh nghiệp đã có sự cải thiện mức độ tuân thủ, do vậy tỷ lệ kiểm tra hàng hóa đã giảm rõ rệt, tỷ lệ luồng xanh tăng, tỷ lệ luồng vàng, đỏ giảm; kết quả này giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm kinh phí và giảm thời gian thông quan.

Ngày 06/09/2023, tại diễn đàn Hải quan - doanh nghiệp năm 2023, Tổng cục Hải quan đã tặng kỷ niệm chương vinh danh 10 doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình trong thời gian qua. Tháng 10/2023, chương trình cũng đã cấp 207 giấy chứng nhận cho doanh nghiệp thành viên giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu, uy tín và là tiền đề để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi trong trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước và trên thị trường quốc tế.

Với kết quả nêu trên, chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp khi các doanh nghiệp được hưởng các lợi ích thiết thực trong việc được giảm tỷ lệ kiểm tra, hỗ trợ làm thủ tục hải quan thuận lợi, chủ động phòng tránh các vi phạm trong quá trình hoạt động XNK. Thủ tục tham gia chương trình đơn giản, hạn chế tối đa các thủ tục hành chính, giấy tờ phiền hà cho doanh nghiệp khi tham gia. Thêm vào đó, các doanh nghiệp đều nhận thấy rằng, việc tham gia chương trình đã đưa quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp trở thành đối tác tin cậy, các doanh nghiệp đã không ngừng lan tỏa những lợi ích của chương trình đến với các đối tác, doanh nghiệp XNK khác.

Sự kiện 9: Tăng cường và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, gắn với cụ thể hóa 980 hành vi vi phạm và các chế tài xử lý trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ Hải quan

Với quyết tâm “không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm đối với công chức, viên chức trong ngành Hải quan tại Quyết định số 799/QĐ-TCHQ ngày 12/04/2023 (thay thế Quyết định số 2799/QĐ-TCHQ ngày 26/09/2018). Phạm vi điều chỉnh của Quy chế đã có sự phân định việc kiểm tra công vụ với các hoạt động kiểm tra theo các Quy chế kiểm tra khác của Tổng cục Hải quan. Tổng số hơn 980 hành vi vi phạm được xây dựng tại 12 Phụ lục, mỗi Phụ lục là danh mục hành vi vi phạm của một lĩnh vực công tác, quản lý tương ứng (tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2799/QĐ-TCHQ quy định khoảng 400 hành vi vi phạm).

Quyết định số 799/QĐ-TCHQ ngày 12/04/2023 quy định 980 hành vi vi phạm được bao quát, cập nhật đầy đủ trong tất cả các lĩnh vực hoạt động hải quan và các chế tài xử lý tương ứng cụ thể minh bạch. Qua đó, bản thân công chức hải quan, trong đó có cả công chức giữ chức vụ lãnh đạo khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao ở mỗi vị trí việc làm, tự mình đối chiếu với hành vi vi phạm, những điều không được làm để nhận thức không dám vi phạm và tự phòng ngừa vi phạm...trong đó có cả công chức kiểm tra thực tế hàng hóa trong quy trình thủ tục hải quan hay công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ trong ngành Hải quan. Qua đó đã góp phần phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực hải quan.

Sự kiện 10: Công tác báo chí, tuyên truyền không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức, phản ánh đầy đủ, kịp thời các mặt hoạt động của Tổng cục Hải quan, góp phần tích cực vào thành tích chung của Ngành

Thời gian qua, công tác báo chí, tuyên truyền của ngành Hải quan đã góp phần quan trọng trong việc định hướng, nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu, chấp hành tốt pháp luật về hải quan, góp phần xây dựng hình ảnh lực lượng hải quan Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách, nhà đầu tư, bạn bè quốc tế.

Bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính và thực hiện Kế hoạch thông tin tuyên truyền trên báo đài năm 2023 của ngành Hải quan (Quyết định số 779/QĐ- TCHQ ngày 11/04/2023), Tổng cục Hải quan đã nỗ lực triển khai các hoạt động tuyên truyền trên báo, đài, bám sát các hoạt động thời sự của ngành Hải quan theo kế hoạch đề ra, đồng thời chủ động tuyên truyền những vấn đề mới phát sinh thông qua nhiều hình thức đa dạng.

Theo đó, đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, đặc biệt phối hợp với 05 cơ quan báo chí Trung ương (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Cổng thông tin điện tử Chính phủ) thực hiện tốt công tác tuyên truyền.

Minh Anh

Bài liên quan

Tin mới

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa bão tại huyện Định Hóa
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa bão tại huyện Định Hóa

Chiều 18/9, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã đi kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại huyện Định Hóa. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Cục QLTT thành phố Cần Thơ tập huấn phân biệt hàng thật – hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường TMĐT
Cục QLTT thành phố Cần Thơ tập huấn phân biệt hàng thật – hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường TMĐT

Sở Khoa học-Công nghệ phối hợp Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) đã tổ chức hội nghị tập huấn phân biệt hàng thật, hàng giả nhãn hiệu và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên môi trường thương mại điện tử.

Phát hiện 01 cơ sở kinh doanh không đăng ký kinh doanh theo quy định
Phát hiện 01 cơ sở kinh doanh không đăng ký kinh doanh theo quy định

Ngày 18 tháng 9 năm 2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh T.P do ông T.C.B làm chủ, địa chỉ: xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng chủ hộ không thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.

Triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ tại thị xã Sa Pa
Triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ tại thị xã Sa Pa

Để chủ động trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ, sạt lở đất, Trung tâm Y tế thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đang tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường trên diện rộng.

Ngày đêm thi công khu tạm cư Làng Nủ
Ngày đêm thi công khu tạm cư Làng Nủ

Những ngày này, các đơn vị đang tập trung máy móc, vật liệu và nhân lực, khẩn trương thi công không kể ngày đêm để hoàn thành khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; phấn đấu đến ngày 21/9, sẽ đưa một số hộ dân thôn Làng Nủ về nơi tạm cư...

Nhiều hoạt động an sinh xã hội được thực hiện tại huyện Văn Quan
Nhiều hoạt động an sinh xã hội được thực hiện tại huyện Văn Quan

Ngày 19/9, tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Văn Quan, Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội tại 2 xã Hữu Lễ và Tri Lễ của huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.