Mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành phía Bắc.
Mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành phía Bắc.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), báo cáo của các địa phương, tính đến 6h ngày 10/9, cơn bão số 3 và mưa, lũ, sạt lở sau bão đã khiến 104 người tử vong, mất tích (65 người tử vong, 39 người mất tích) do bão và mưa lũ.

Trong đó, Cao Bằng có 33 người tử vong và mất tích (17 người tử vong, 16 người mất tích); Lào Cai 30 người (19 người tử vong, 11 người mất tích); Quảng Ninh 9 người tử vong (do bão 8 người; lũ cuốn 1 người); Phú Thọ 8 người mất tích do sự cố sập cầu Phong Châu...

Số người bị thương là 752 người , trong đó Quảng Ninh 536 người, Hải Phòng 81 người, Hải Dương 5 người, Hà Nội 10 người, Bắc Giang 5 người, Bắc Ninh 52 người, Lạng Sơn 10 người, Lào Cai 14 người, Yên Bái 10 người, Cao Bằng 12 người, Phú Thọ 5 người...

Tại Quảng Ninh, có 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu.

Về thiệt hại nông nghiệp, 148.632ha lúa đã bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 25.780ha; Thái Bình 11.000ha; Hà Nội 15.563ha; Hưng Yên 12.119ha; Hải Dương 18.500ha; Hà Nam 7.928ha; Lạng Sơn 4.495ha; Bắc Giang 14.933ha; Bắc Ninh 9.830ha; Vĩnh Phúc 8.860ha, Thái Nguyên 3.512ha, Yên Bái 2.618ha...); 26.186ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 11.038ha cây ăn quả bị hư hại.

Ngoài ra, có 1.577 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000 lồng bè, Hải Dương 300 lồng bè...) và 1.111 con gia súc, 680.243 con gia cầm bị chết.

Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng: 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 173 đường dây 110kV bị sự cố và 5.305 cột điện bị gãy đổ.

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 48.337 nhà ở bị hư hỏng (tập trung Quảng Ninh 20.245 nhà, Hải Phòng 13.927 nhà, Bắc Ninh 3.450 nhà, Lạng Sơn 2.929 nhà...); nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, hiện nay lũ trên sông Thao tại Lào Cai đang xuống chậm, tại Bảo Hà, Yên Bái đang lên; lũ trên sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh) và sông Thương (Bắc Giang) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống chậm.

Mực nước lúc 7h ngày 10/9, trên các sông như sau: trên sông Thao tại Lào Cai 85,47m, trên báo động (BĐ) 3 1,97m (đã đạt đỉnh lúc 21h ngày 9/9 là 86,97m, trên mức lũ lịch sử năm 1971 là 0,12m); tại Bảo Hà 61,95m, trên mức lũ lịch sử năm 2008 (60,93m) 1,02m; tại Yên Bái 35,32m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,9m;

Trên sông Cầu tại Cầu Gia Bảy 28,64m (đã đạt đỉnh lúc 03h ngày 10/9 là 28,81m, trên mức lũ lịch sử năm 1959 là 0,67m); tại Đáp Cầu 6,12m, dưới BĐ3 0,18m; Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 6,65m, trên BĐ3 0,35m; Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,55m, trên BĐ3 0,25m; Trên sông Lô tại Tuyên Quang 24,87m, trên BĐ2 0,87m; Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 5,07m, dưới BĐ2 0,05m; Trên sông Hồng tại Hà Nội 9,02m, dưới BĐ1 0,48m.

Dự báo trong 6 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Lào Cai duy trì trên mức BĐ3; tại Bảo Hà, Yên Bái tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử; lũ trên sông Cầu, sông Thương, sông Hồng, sông Thái Bình tiếp tục lên; lũ trên sông Lô có khả năng đạt đỉnh; lũ sông Lục Nam xuống chậm.

An Nguyên (t/h)