Thống kê đến sáng nay (10/9), toàn tỉnh đã có 28 người chết và mất tích, 10 người bị thương. Trong đó 22 người chết do sạt lở đất ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên và thành phố Yên Bái; 6 người ở huyện Lục Yên và thành phố Yên Bái hiện vẫn đang mất tích. 10 người bị thương là ở TP. Yên Bái và các huyện Lục Yên, Văn Yên.
Mưa lũ cũng làm hơn 13.500 nhà ở của người dân bị ảnh hưởng. Trong đó có 40 nhà ở các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên bị sập đổ hoàn toàn; hơn 10.300 nhà bị ngập nước; 2.300 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn.
Thiệt hại về nông nghiệp, bao gồm lúa, ngô, rau màu là hơn 4.000 ha; hơn 1.500 con gia súc, gia cầm bị chết; nhiều diện tích nuôi cá truyền thống và 400m2 nuôi cá tầm bị lũ tràn qua, vỡ bờ.
Về giao thông, toàn tỉnh ghi nhận hơn 200 vị trí sạt lở tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ với khối lượng hàng trăm nghìn m3 đất đá, hiện, nhiều điểm đang tắc đường do sạt lở, ngập nước… Đối với tuyến giao thông cơ sở cũng có hàng trăm điểm sạt lở tại Thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Lục Yên…
Ngoài ra, mưa lũ cũng gây thiệt hại nhiều công trình công cộng, như hệ thống điện, nhà làm việc, Trung tâm y tế huyện, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, Công trình thủy lợi, kè… Ước thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.
Trong sáng nay, Phó thủ tướng Lê Thành Long đã đến Yên Bái để kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục. Trong bối cảnh mất điện, mất nước ở nhiều nơi và ngập lụt toàn thành phố, cấp uỷ, chính quyền và các lực lượng chức năng ở Yên Bái đang nỗ lực trên tinh thần cao nhất để triển khai công tác ứng cứu, khắc phục các thiệt hại.
Theo VOV.VN