Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12 khối FDI đạt trị giá xuất nhập khẩu 300,65 tỷ USD, tăng 12,4%, tương ứng tăng 33,15 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2017.
Như vậy, khối doanh nghiệp này đang chiếm gần 65,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm.
Đáng chú ý, trái với việc thâm hụt thương mại của cả nước trong 15 ngày đầu tháng 12, cán cân thương mại của khối FDI vẫn đạt thặng dư 605 triệu USD trong nửa đầu tháng này và tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12 đạt con số xuất siêu lên đến gần 29 tỷ USD.
Doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 29 tỷ USD
Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam với các sản phẩm điện thoại, máy tính… với kim ngạch đạt hàng chục tỷ USD/năm.
Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 6,38 tỷ USD, giảm 20,1% (tương ứng giảm 1,61 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 11.
Như vậy, tính đến hết ngày 15/12 tổng trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 164,82 tỷ USD, tăng13,3% tương ứng tăng 19,31 tỷ USD so với cùng thời gian này năm 2017 và chiếm 70,7% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 12 đạt 5,77 tỷ USD, giảm 8,5% (tương ứng giảm 539 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 11.
Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 135,83 tỷ USD, tăng 11,3%, tương ứng tăng 13,83 tỷ USD, chiếm 60,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Việc xuất siêu của doanh nghiệp FDI là điều dễ hiểu vì họ đang nắm trong tay hàng loạt doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất quy mô lớn trong hầu hết các ngành hàng quan trọng của nước ta như điện tử; dệt may; giày dép… Trong đó không ít doanh nghiệp có quy mô kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD/năm.
Thiên Trường