2017: 10 vụ gian lận lớn bị phát hiện - Hình 1

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Thiên nhiên TS VN

1. Vụ buôn lậu vàng qua đường hàng không

Khoảng 20h ngày 25/8/2017, Tổ công tác Chống buôn lậu - Phòng PC46 phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài tiến hành kiểm tra 5 hành khách trên chuyến bay số hiệu TG564, nhập cảnh từ Thái Lan về Việt Nam.

Tổ công tác đã phát hiện các đối tượng cất giấu trong người nhiều bọc kim loại màu vàng, dạng trang sức, nghi vấn là vàng (vòng đeo tay, kiềng cổ, dây chuyền, hoa tai...), nặng 28,54 kg mà không khai báo với cơ quan hải quan.

Tại cơ quan công an, các đối tượng đã khai nhiều lần vận chuyển trót lọt vàng từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không. Sau mỗi chuyến chuyển vàng về giao tại nhà của Lê Thị Ngọc Mai, các đối tượng sẽ được trả thù lao 10 triệu đồng/người.

Căn cứ lời khai của các đối tượng, cơ quan công an đã tiến hành khám xét nơi ở của Mai, thu giữ thêm khoảng 8 kg vàng trang sức cùng 480 triệu đồng, 20.000 USD và một số giấy tờ, tài liệu.

2. Vụ lô mỹ phẩm giả 11 tỷ đồng

Ngày 18/10, Đội QLTT số 6 (Chi Cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Thiên nhiên TS VN (tại lô 18, Khu hành chính mới phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội), do bà Nguyễn Thu Trang làm Giám đốc.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ khoảng 14.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa có hóa đơn chứng từ, trên sản phẩm không có địa chỉ nhà cung cấp, ước tính giá trị của lô hàng là gần 11 tỷ đồng. Hiện hồ sơ vụ này đã được chuyển sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra.

3. Khăn lụa KhaiSilk: Một SP 2 nhãn mác

2017: 10 vụ gian lận lớn bị phát hiện - Hình 2

Khăn lụa mang thương hiệu nổi tiếng Khaisilk bị nhiều khách hàng tố có tới 2 nhãn mác - đang gây xôn xao dư luận

Sự việc chỉ được phát hiện khi một công ty đặt mua 60 chiếc khăn tay lụa tơ tằm của thương hiệu Khaisilk, tại cửa hàng Khaisilk 113, Hàng Gai. Nhưng chiều 17/10, khi kiểm tra lô hàng, phát hiện 1 sản phẩm khăn lụa có gắn đồng thời 2 loại nhãn mác “Made in China” và “Made in Vietnam”. Kiểm tra 59 chiếc còn lại, chỉ có mác Khaisilk “Made in Vietnam”, nhưng trên viền khăn lại có một miếng nhỏ màu trắng, nhìn giống như đã bị cắt mác từ trước.

Sau đó, ông chủ Hoàng Khải của thương hiệu này đã thừa nhận có nhập hàng lụa Trung Quốc về để bán từ nhiều năm trước, xuất phát vào giữa những năm 1990, khi Khaisilk không tìm đủ nguồn hàng trong nước.

Ngày 12/12, Bộ Công thương đã ban hành kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức (Khaisilk) về các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất/gia công, xuất nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thời trang của DN này.

Đặc biệt, giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Khaisilk cho thấy kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố trên nhãn hàng hóa về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (100% silk).

Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan CSĐT xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

4. DN buôn thuốc chữa bệnh ung thư giả

Ngày 24/10, Phòng PC46 (Công an Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Công Doanh (SN 1981, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), để điều tra về hành vi buôn bán hàng giả.

Tại thời điểm bị bắt giữ, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ gần 20 hộp thuốc giả được Doanh cất giấu trong cốp xe.

Khám xét nơi ở của Doanh, cơ quan công an thu giữ hàng trăm vỏ hộp cùng các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư dán nhãn Vidatox. Qua giám định toàn bộ lô hàng này đều là hàng giả.

Đáng chú ý, Doanh còn làm giả các loại thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam như thuốc Vidatox 30CH.

5. DN làm giả 2 triệu lít xăng A92

2017: 10 vụ gian lận lớn bị phát hiện - Hình 3

Lực lượng chức năng phát hiện gần 2 triệu lít xăng giả, kém chất lượng

Vào khoảng 11h ngày 10/10, Phòng PC46 (Công an Nghệ An) đã phát hiện Công ty TNHH Thanh Ngũ (xã Diễn Ngọc, Diễn Châu) đang đổ chất dung môi trong bồn xe ô tô chở téc mang BKS: 37C-7512 vào bồn xăng của cửa hàng. Qua kiểm tra, phát hiện 2 lọ bột tạo màu, 2 bể chứa xăng, trong đó bể thứ nhất chứa 3.000 lít xăng A92, bể thứ 2 chứa 7.000 lít xăng A92.

Bà Vũ Thị Thanh, chủ Công ty TNHH Thanh Ngũ thừa nhận đã pha chất dung môi với xăng A92 theo tỷ lệ 50/50 trong bể chứa 7.000 lít xăng làm cho xăng kém chất lượng. Số chất dung môi chở trên xe téc là 40.000 lít do lái xe của DNTN Kiên Lục (Nghệ An) chở từ TP. Cần Thơ về.

Kiểm tra DN Kiên Lục, tiếp tục phát hiện trong 2 bể chứa có khoảng hơn 10.000 lít xăng A92 kém chất lượng, thu 1 lọ bột tạo màu cho xăng.

Bước đầu, DN Kiên Lục thừa nhận, từ tháng 8/2017 đến nay, DN này đã mua 320.000 lít chất dung môi. Trong đó, bán cho công ty Thanh Ngũ 160.000L, phần còn lại pha với xăng A92 theo tỷ lệ 80/20.

6. Kho thuốc lá lậu khủng giáp biên giới

Ngày 12/12, Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Đức Huệ (Long An) cho biết đã bắt giữ 60.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu ở nhà hai người dân gần khu vực tiếp giáp biên giới.

Theo đó, khi phát hiện nhóm thanh niên chạy mô tô không biển số đã được “độ, chế” chở nhiều thùng thuốc lá ngoại nhập lậu từ bên kia biên giới Campuchia vào sâu trong nội địa, Cảnh sát kinh tế huyện Đức Huệ tổ chức bám theo tới khu vực ấp 4, xã Mỹ Quý Tây. Tiếp đó, tiến hành đột kích và phát hiện bên trong nhà ông Tô Văn Sái (47 tuổi) và ông Đỗ Văn Nghĩa (54 tuổi, 2 nhà liền kề nhau) cất giấu 20.950 gói thuốc lá lậu các loại.

Kiểm tra khu vực vườn cây phía sau nhà ông Nghĩa và ông Sái, lực lượng chức năng phát hiện thêm 39.050 gói thuốc lá ngoại được “ngụy trang” dưới đống rơm cùng 3 mô tô.

7. Lô thuốc lá lậu trị giá 2 tỷ

2017: 10 vụ gian lận lớn bị phát hiện - Hình 4

Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 1 bắt giữ gần 70.000 bao thuốc lá lậu trị giá trên 2 tỷ đồng

Đêm 19/10 tại địa bàn Hà Tu, TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh), BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã bắt giữ một xuồng cao tốc có tên là Quế Bắc, mang số hiệu 358 chở theo gần 70.000 bao thuốc lá 3 số từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam, tổng giá trị số lượng hàng này ngoài thị trường được xác định khoảng 2 tỷ đồng.

Hàng chục đối tượng tham gia vận chuyển lô hàng này khi bị phát hiện đều đã tháo chạy hết. Phải mất hàng tháng trời điều tra, theo dõi lập chuyên án mới bắt được một lô hàng như thế này. Toàn bộ số hàng đã được tạm giữ niêm phong và tiếp tục điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

8. Đường dây nhập lậu lớn container máy cũ

Theo Công an TP. HCM, trong quá trình điều tra, phát hiện Trần Quốc Vương (SN 1977, ngụ quận 10) thường sang Nhật mua một số máy móc thiết bị đã qua sử dụng rồi nhập về Việt Nam bằng đường biển.

Ngày 17/8, trinh sát Phòng PC46 đồng loạt khám xét các kho chứa hàng của Vương. Tại đây, cơ quan công an phát hiện hàng nghìn tấn thiết bị máy móc đã qua sử dụng được nhập lậu từ Nhật, trong đó có nhiều máy móc đặc chủng dùng trong công nghiệp. Đồng thời, phát hiện và thu giữ nhiều giấy tờ, con dấu có liên quan đến việc nhập lậu máy móc đã qua sử dụng về Việt Nam…

9. Thu 10 tấn hàng lậu trên tàu hỏa

2017: 10 vụ gian lận lớn bị phát hiện - Hình 5

Thu 10 tấn hàng lậu trên tàu hỏa

Khoảng 14 giờ ngày 17/6, Phòng phòng ngừa đấu tranh chống buôn lậu khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Phòng 7 - Cục C74, Bộ Công an) phối hợp với Chi cục QLTT Đà Nẵng kiểm tra các toa chứa hàng tàu SE17 từ ga Hà Nội về Đà Nẵng.

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện hàng trăm kiện hàng hóa nhập lậu khoảng 10 tấn (quần áo, giày dép, túi xách) không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh hợp lệ.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục điều tra.

10. Bắt vụ buôn lậu 1,2 triệu lít dầu

Ngày 21/4, Tổ công tác - BTL Vùng Cảnh sát biển 4 cùng biên đội tàu CSB trong quá trình tuần tra kiểm soát trên vùng biển cách đông nam mũi Cà Mau khoảng 80 hải lý, thuộc vùng biển Việt Nam, phát hiện có tốp tàu nước ngoài đang cập mạn bơm dầu trái phép cho tàu cá Việt Nam.

Lập tức, tổ công tác đã phát lệnh kiểm tra nhưng các tàu trên không chấp hành, bỏ chạy buộc tàu CSB phải thực hiện truy đuổi, khống chế và bắt giữ được 4 tàu, trong đó có 3 tàu nước ngoài và 1 tàu cá của Việt Nam.

Qua kiểm tra, tổng số lượng dầu trên các tàu nước ngoài là khoảng 1,2 triệu lít. Còn trên tàu cá của Việt Nam có khoảng 60.000 lít dầu DO. Các tàu đều không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số dầu; đồng thời thừa nhận hành vi sang mạn dầu trái phép trên vùng biển Việt Nam.

            Phan Chinh (T/h)