Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết: “Bộ GTVT đã cho phép VEC mở rộng ba tuyến cao tốc gồm TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai”.
Các cao tốc đã quá tải
Cụ thể, ông Nhi cho biết theo kế hoạch sẽ mở rộng đoạn dài 20 km từ TP. HCM xuống quốc lộ 51 của cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây; 20 km từ nút giao Đại Xuyên đến nút giao Liêm Tuyền (qua Hà Nam) của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; 83 km của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai.
“Việc mở rộng những tuyến này, chúng tôi đã có nghiên cứu khả thi hết rồi và đang nghiên cứu phương án đầu tư” - ông Nhi nói.
VEC cho biết cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, đưa vào khai thác toàn tuyến từ tháng 02/2015. Kể từ thời điểm đưa vào vận hành đến nay, lượng xe tham gia lưu thông trên tuyến liên tục tăng nhanh.
Hiện tại, cao tốc này được khai thác với quy mô bốn làn xe chạy và hai làn dừng khẩn cấp (ở hai chiều). Theo tính toán, kinh phí thực hiện dự án mở rộng cao tốc trên 9.000 tỉ đồng, sẽ do VEC huy động vốn. Nếu bắt đầu triển khai từ quý III/2022, công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2026. Dự kiến cao tốc được mở rộng lên tám làn xe chạy.
Còn cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn tỉnh Lào Cai có chiều dài 55 km và tỉnh Yên Bái là 81 km. Tuy nhiên, hiện còn khoảng 83 km (đoạn Yên Bái - Lào Cai) mới chỉ đầu tư hai làn xe chạy.
Bộ GTVT cho biết sẽ nghiên cứu huy động nguồn vốn, hình thức đầu tư phù hợp để tiếp tục mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy mô bốn làn xe để khai thác đồng bộ về quy mô với đoạn Nội Bài - Yên Bái và đầu tư hoàn thiện tuyến đường theo quy mô quy hoạch (sáu làn xe) khi có đủ điều kiện.
Còn đoạn tuyến cao tốc từ Đại Xuyên đến Liêm Tuyền của cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 19,7 km, nếu mở rộng từ bốn làn xe lên sáu làn xe, mặt cắt ngang 34,5 m, có tổng mức đầu tư khoảng 354 tỉ đồng. VEC cho biết nhu cầu vận tải đoạn Đại Xuyên - Liêm Tuyền đạt 55.022-61.320 xe/ngày đêm (giai đoạn 2018-2020). Lưu lượng này đã vượt quá năng lực thiết kế của quy mô hiện hữu, trong khi lưu lượng xe lưu thông đang có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.
Cấp thiết mở rộng vì tính kết nối với dự án khác
Nói về dự án mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: “Việc mở rộng đoạn tuyến này là nhu cầu cấp thiết do lưu lượng thiết kế đã mãn tải, thường xuyên ùn tắc.
Đặc biệt, đây là đoạn tuyến kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2025”. Ông Cảnh cũng yêu cầu VEC sớm xây dựng các phương án đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc mở rộng cao tốc này.
Còn về cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trong cuộc họp với VEC vào đầu tháng Tám, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết đến năm 2025, cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) đạt giá trị hàng hóa thông thương là 10 tỷ USD thì Lào Cai phải đầu tư kết nối hạ tầng với Hà Nội - Hải Phòng.
Vì vậy, theo ông Trường, việc đầu tư mở rộng cao tốc Nội Bài - Lào Cai không chỉ tạo lợi thế cho tỉnh mà là cả nước và ASEAN. Do đó, ông Trường mong muốn thời gian tới VEC quan tâm, ủng hộ, báo cáo các bộ, ngành để được chấp thuận triển khai dự án mở rộng cao tốc nhằm tăng tính kết nối Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Ông Trương Việt Đông, Chủ tịch VEC, cho biết trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GTVT, VEC đã thống nhất chủ trương thuê đơn vị tư vấn để triển khai các bước đầu tiên thực hiện đầu tư các dự án.
Hải Trung