4 tháng đầu năm cả nước thu hút được hơn 8,06 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài - Hình 1

4 tháng đầu năm cả nước thu hút được hơn 8,06 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (ảnh minh họa)

Theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến thời điểm 20/4/2018, cả nước có 883 dự án FDI được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3.553,8 triệu USD, tăng 20,3% về số dự án và giảm 27,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 303 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.244,8 triệu USD, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 4 tháng đạt 5.798,6 triệu USD, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Ngoài ra trong 4 tháng năm 2018 còn có 1.863 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2.262,9 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có 1.087 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,56 tỷ USD và 776 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 703,5 triệu USD.

Trong 4 tháng qua, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký mới đạt 1.926,1 triệu USD, chiếm 54,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 455,5 triệu USD; các ngành còn lại đạt 1.172,2 triệu USD, chiếm 33%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 4 tháng năm nay đạt 3.945 triệu USD, chiếm 68% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 564,5 triệu USD; các ngành còn lại đạt 1.289,1 triệu USD, chiếm 22,2%.

Về địa bàn đầu tư, cả nước có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 4 tháng đầu năm, trong đó Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 498,7 triệu USD; tiếp đến là TP.HCM với 408 triệu USD; Bình Dương 364,8 triệu USD; Ninh Thuận 327,6 triệu USD; Đồng Nai 273,9 triệu USD; Hà Nam 187,7 triệu USD; Bà Rịa - Vũng Tàu 182,7 triệu USD; Quảng Ninh 176,6 triệu USD.

Trong số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 877,7 triệu USD, chiếm 24,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 830,8 triệu USD; Singapore 459,2 triệu USD; Trung Quốc 229,6 triệu USD...

Về hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 4 tháng năm 2018 có 34 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 129 triệu USD. Bên cạnh đó, có 11 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 24,6 triệu USD.

Tính chung vốn cấp mới và tăng thêm, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng năm 2018 đạt 153,6 triệu USD.

Trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105 triệu USD, chiếm 68,3% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20,3 triệu USD, chiếm 13,2%; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ đạt 12,9 triệu USD, chiếm 8,4%.

Trong 4 tháng có 19 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào chiếm 52,2% tổng vốn đầu tư; Campuchia chiếm 16,9%; Cuba chiếm 13%.

Nguyễn Dương